(Thethaovanhoa.vn) - Đã có nhiều ý kiến đồng tình với việc chọn áo dài tân thời - áo dài Lemur/Nguyễn Cát Tường - làm hình ảnh đại diện cho phụ nữ Việt Nam. Tuy áo dài xuất hiện khá muộn, đầu năm 1934, song nhanh chóng lan tỏa khắp Việt Nam và cả Đông Dương. Nhưng ngày nay vẫn còn nhiều tranh luận về ý tưởng, nguồn gốc, thiết kế.... Cuốn đặc khảo Áo dài Lemur và bối cảnh Phong hóa & Ngày nay (Khai Tâm và NXB Hồng Đức) vừa phát hành của Phạm Thảo Nguyên là một bổ khuyết cần thiết vào các cuộc tranh luận đó.
Sách gồm 3 phần chính. Phần 1 dành hơn 60 trang để viết về ông tổ áo dài tân thời - họa sĩ Lemur/Nguyễn Cát Tường. Phần 2 nghiên cứu về hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay, để qua đây cắt nghĩa về bối cảnh ra đời của áo dài. Phần 3 là phụ lục tranh, bìa báo, minh họa, châm biếm… trên các báo, mà trong đó áo dài tân thời đã thường xuyên xuất hiện.
Công lớn của nhà văn Nhất Linh
Ngày 11/2/1934, trên báo Phong hóa, số Xuân, chủ bút Nhất Linh cho mở một mục mới có tên Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô. Đây là một ưu ái rất lớn của Nhất Linh đối với Nguyễn Cát Tường, một tân cử nhân 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Ngay tại số báo này, ở trang 22, Cát Tường viết: “Ưa thích sự đẹp là tính thường của người ta. Phái đẹp được cái ân riêng của tạo hóa cho vẻ đẹp, và tính dịu dàng nên có tính ưa trang điểm. Trang điểm để mình đẹp thêm, cho đẹp lòng trời, lòng người, là biết tự quý mình, trọng người. Giá trị và hạnh phúc của phụ nữ là ở sự trang điểm và làm đẹp”. Cho tới Phong hóa số 90, ra ngày 23/3/1934, Cát Tường đã đưa ra mẫu áo dài Lemur đầu tiên.
Sự ưu ái của Nhất Linh không chỉ dừng lại ở việc mở một chuyên mục, mà còn tạo thanh thế để thu hút nhiều ngòi bút và dư luận cấp tiến ủng hộ. “Phong trào mặc áo tân thời cũng bồng bột lên nhờ phong trào Thơ mới. Kẻ công kích, người khuyến khích, những y phục tân thời kể cũng đã làm tốn mực, giấy cho các nhà văn.
Dẫu sao có thay đổi mới có tiến bộ. Mỹ thuật bắt họ phải ăn mặc mỗi người mỗi khác, nhưng nền luân lý của Tống Nho bắt họ phải ăn vận giống nhau”, nhà văn Hoàng Đạo viết trên Phong hóa số 134, ra ngày 30/1/1935.
Gần như cùng lúc, trên báo Ngày nay, số 1, ra ngày 30/1/1935, trong bài Quần áo mới, Việt Sinh - tức nhà văn Thạch Lam - viết: “Vật chất thường bao giờ cũng đi trước tinh thần; sự cải cách về y phục nên, và phải đi trước sự cải cách về tính tình và tư tưởng của phụ nữ. Sự cải cách này giúp và cần yếu cho sự cải cách kia”.
- 30 năm Hoa hậu Việt Nam: Ngắm trọn dàn mỹ nữ 'không tuổi' đọ sắc trong tà áo dài trắng
- Hoa hậu Đại sứ Du lịch thế giới 2018: Áo dài của Phan Thị Mơ lọt Top 10 trang phục Eco Tourism
Hòa vào bối cảnh “bài Tống Nho” và “kháng Pháp”, cuộc tranh luận công khai, nhiệt thành đã đưa áo dài nói riêng, trang phục tân thời nói chung nhanh chóng đến rộng rãi quần chúng. Để từ đây, từ một tiểu mục trên báo, áo quần tân thời đã góp phần làm nên cuộc cách mạng nữ quyền và dân sinh. Về tư tưởng, từ việc đề ra các cải cách về y phục cho phụ nữ, nhằm thay đổi vẻ bề ngoài, đã tiến tới thay đổi tư duy, ứng xử, hành động.
Không chỉ áo, mà còn quần
Trên báo Phong hóa số 89, Cát Tường viết: “Nói ra sợ không ai tin, điều quan trọng nhất của y phục phụ nữ là chiếc quần!”. Và ông có 3 đề xuất cụ thể: 1) cạp quần buộc xéo một bên, có thể cài khuy bấm; 2) cạp quần mở ở giữa, cài khuy như quần đàn ông; 3) quần ống loa, trên gối thì ôm bắp vế cho đẹp, đi đứng thoải mái.
Ngày nay, đọc lại các đề xuất này chúng ta thấy bình thường, nhưng nếu đặt trong bối cảnh của thập niên 1930 tại Việt Nam và thế giới, là một tư tưởng tiền phong, táo bạo. Ví dụ như chuyện cái quần hai ống của nhà thiết kế huyền thoại Coco Chanel (1883-1971). Đầu thế kỷ 20, khi phụ nữ thượng lưu Pháp vẫn còn “đóng khuôn” với váy, Coco Chanel thường mượn quần dài của bạn trai mặc ra đường. Nhưng mãi đến năm 1954 - 20 năm sau Cát Tường - quần yachting của bà mới bắt đầu phổ biến tại Pháp.
Văn Bảy
Tags