Chơi game đã đạt được một cột mốc quan trọng chưa từng có khi được chọn làm môn thể thao chính thức của Đại hội thể thao châu Á 2023 dưới hình thức thể thao điện tử. Không chỉ có vậy, việc tham gia đại hội còn có tầm quan trọng đáng kể – và có thể có ý nghĩa thay đổi cuộc sống – đối với một số game thủ.
Chơi game có thể được miễn nghĩa vụ quân sự
Với nam giới Hàn Quốc, việc giành huy chương vàng tại Asiad hay Olympic không chỉ mang lại vinh dự mà còn giúp họ được miễn nghĩa vụ quân sự trong thời gian nhất định. Tại quốc gia này, nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với nam giới. Những người đủ sức khỏe đều phải phục vụ trong quân đội trong 18 tháng trước khi 28 tuổi.
Tuy nhiên, luật pháp Hàn Quốc cho phép những người đàn ông được coi là xuất sắc trong thể thao, văn hóa đại chúng, nghệ thuật hoặc trình độ học vấn cao được hoãn nghĩa vụ quân sự cho đến tuổi 30. Luật này đã tác động đến sự nghiệp của một số tên tuổi nổi tiếng tại Hàn Quốc, bao gồm cả nhóm nhạc siêu sao toàn cầu BTS, Son Heung-min, đội trưởng của CLB Tottenham tại Ngoại hạng Anh, cũng đã được miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2018 sau khi cùng đội tuyển Olympic Hàn Quốc giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao châu Á.
Đối với người chơi thể thao điện tử, việc đạt được thành công trên đấu trường quốc tế có thể dẫn đến đãi ngộ tương tự. Mặc dù các vận động viên được miễn quân sự vẫn phải trải qua khóa đào tạo ngắn hạn ba hoặc bốn tuần, nhưng sự công nhận này là một bước tiến đáng kể đối với ngành công nghiệp game ở Hàn Quốc.
Khi được hỏi liệu họ có nghĩ đến khả năng được miễn nghĩa vụ quân sự nếu giành huy chương vàng tại ASIAD 19 hay không, game thủ FIFA 4 22 tuổi Kwak Jun-hyuk nói với CNN Sport: "Sẽ là nói dối nếu nói rằng tôi không nghĩ gì cả về điều đó, nhưng sẽ là một gánh nặng nếu nghĩ đến kết quả huy chương vàng trước tiên, vì vậy tôi nghĩ đến việc nỗ lực hết mình ngay bây giờ".
Liên minh huyền thoại (LoL) – một trong những tựa game thể thao điện tử và trò chơi điện tử nổi tiếng nhất thế giới – có trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày 29/9 tới, với sự góp mặt của tuyển thủ LoL Hàn Quốc Lee Sang-hyeok, hay còn gọi là Faker, 27 tuổi. Với Faker, chiến thắng ở trận đấu này là hội cuối cùng để được miễn nghĩa vụ quân sự, dù anh có coi đó là mục tiêu hướng đến hay không. "Tôi đã đặt mục tiêu là cố gắng hết sức và để đạt được điều đó, tôi sẽ giành huy chương vàng", Faker nói sau khi giành huy chương bạc tại Đại hội thể thao châu Á ở Jakarta 5 năm trước.
Bất kể ý nghĩa của việc miễn nghĩa vụ quân sự là gì, các chuyên gia trong ngành tin rằng nhiều người Hàn Quốc có thể bị thu hút bởi thể thao điện tử, đặc biệt là do họ được tham gia vào các sự kiện thể thao được quốc tế công nhận như Đại hội thể thao châu Á và có thể là Thế vận hội trong tương lai.
Sự phát triển của game thành thể thao điện tử
Trò chơi điện tử đã là một hình thức giải trí được yêu thích trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, kể từ cuối những năm 1990, vị thế của trò chơi điện tử đã được nâng lên một tầm cao mới, với một số trò chơi đã thành lập các giải đấu chuyên nghiệp và giành được danh hiệu thể thao điện tử.
Hàn Quốc thường được ca ngợi là quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc biến trò chơi mang tính cạnh tranh nhỏ ở các khu vực trên khắp thế giới thành ngành công nghiệp thể thao điện tử chuyên nghiệp toàn cầu như chúng ta biết đến ngày nay.
Sự chuyển đổi này có thể do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả sự phổ biến của StarCraft của Blizzard, một trò chơi nổi tiếng được phát hành vào năm 1999. Thời đại mạng internet bùng nổ, băng thông rộng được chính phủ hỗ trợ, game ngày càng phát triển. Dần dần, văn hóa chấp nhận chơi game như một nghề và các giải đấu chuyên nghiệp được tổ chức tốt là những yếu tố khác giúp nó phát triển.
Đỉnh cao của giải đấu mang tính cạnh tranh là "Giải vô địch thế giới Liên minh huyền thoại", bắt đầu với tám đội trong ba ngày vào năm 2011 và từ đó đã mở rộng thành cuộc thi gồm 22 đội kéo dài hơn một tháng thi đấu trong năm 2023.
Faker, được nhiều người coi là game thủ Liên minh vĩ đại nhất mọi thời đại, tự hào với 3 chức vô địch thế giới và 10 chức vô địch quốc nội Hàn Quốc. Tác động của Faker đối với thế giới thể thao điện tử thường được so sánh với một số vận động viên lớn nhất trong lịch sử. Sự nổi tiếng của anh không chỉ ở Hàn Quốc, mà trên toàn thế giới.
Theo một báo cáo gần đây của PwC, game là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong ngành giải trí toàn cầu, với tổng doanh thu là 227 tỷ USD vào năm 2023. Con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 312 tỷ USD vào năm 2027. Tencent, công ty mẹ của Riot Games, đã báo cáo doanh thu 23,28 tỷ USD vào năm 2022 và Microsoft Studios đã tạo ra khoảng 16,2 tỷ USD thông qua Xbox Game Studios trong cùng kỳ. Để so sánh, toàn bộ thị trường âm nhạc ghi âm toàn cầu đã tạo ra doanh thu 26,2 tỷ USD vào năm 2022 theo Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế.
Quyết định đưa thể thao điện tử trở thành một sự kiện tranh huy chương chính thức tại Asiad 2023, đã đánh dấu bước ngoặt mang tính lịch sử cho ngành. Asiad 2023 trở thành sự kiện thể thao quốc tế lớn đầu tiên công nhận thể thao điện tử là một môn thể thao chính thức cạnh tranh giành huy chương, với 7 nội dung thi đấu bao gồm EA Sports FC Online (trước đây là FIFA Online 4), PUBG Mobile (phiên bản Peace Elite Asian Games), Arena of Valor, Liên minh huyền thoại, DOTA 2, Dream Three Kingdoms 2 và Street Fighter 5. Tổng cộng sẽ có 21 huy chương được trao. Với việc được công nhận là môn thể thao tranh huy chương chính thức của Đại hội thể thao châu Á, khả năng thể thao điện tử trở thành một phần của Thế vận hội Olympic là một chủ đề đang được bàn luận sôi nổi. Hồi tháng 6/2023, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã tổ chức Giải đấu thể thao điện tử Olympic- một dấu hiệu tích cực. Mặc dù vấp phải không ít những chỉ trích, nhưng đối với rất nhiều chuyên gia trong ngành, vẫn có hy vọng đáng kể về việc thể thao điện tử sẽ được đưa vào chương trình Olympic chính thức trong tương lai.
Cẩm Oanh
Tags