(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả Nguyễn Hữu Thái, cựu sinh viên Sài Gòn và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những người đầu tiên lên tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn để đón chào chiến thắng ngày 30/4/1975 sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Đặt chân đến Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), tháp Eiffel (Pháp), điện Capitol (Mỹ)… Nguyễn Hữu Thái đã viết trong hồi ký: “Tại sao từ những vùng đất xa xôi này, họ lại đến xâm lăng đất nước mình? Do yêu cầu khống chế của kẻ mạnh hay nhân danh những lý tưởng cao cả nào”.
Cuốn hồi ký mang tên Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình trải dài nửa thế kỷ - từ năm 1945 tại Đà Nẵng, đến sự kiện thống nhất đất nước năm 1975 và về sau. Trong đó có giai đoạn tác giả tham gia phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên Sài Gòn thời chống Mỹ.
Ở tuổi 75, Nguyễn Hữu Thái, một trí thức từng được mời thỉnh giảng tại Đại học Stanford (Mỹ), viết sách về cuộc đời mình gắn liền với số phận dân tộc. Gần 20 năm qua, ông đi nhiều nước, nhất là Đông Á, Tây Âu và Bắc Mỹ đã giúp ông từ xa nhìn lại đất nước mình.
Nguyễn Hữu Thái viết cụ thể và thẳng thắn, bộc bạch: “Tôi tự hứa rằng mình phải nói thẳng và nói thật”. Ông không thuần túy ca ngợi, thậm chí nhận định thế hệ mình là “một thế hệ ảo tưởng”, tin nhiều vào huyền thoại, đặt niềm tin nhầm chỗ. Cuốn sách nhắc đến nhiều nhân vật có thật cùng thời, với cách đánh giá mà tác giả tự nhận là chủ quan.
Viết sách, tác giả mong muốn đóng góp phần mình trong xu hướng “tự vấn” hiện nay: “Tự vấn nghiêm túc mới mong nhìn ra được cái mạnh cái yếu của mình để tìm ra được con đường thích hợp tiến lên trong thời kỳ đấu tranh cam go để sống còn trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa”. Vì vậy, cuốn sách viết về một thế hệ đã qua, nhưng hướng đến lớp trẻ.
Đặt ra cụm từ đối lập chiến tranh - hòa bình, ông muốn người đọc hiểu “chiến tranh là điều khủng khiếp làm băng hoại con người và xã hội, còn xây dựng trong hoà bình lại là một vấn đề không đơn giản khác”.
Tác giả Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1938 tại Đà Nẵng. Ông học Đại học Kiến trúc & Luật khoa Sài Gòn, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963-1964). Ông nghiên cứu Việt Nam học, từng thỉnh giảng tại Tây Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam. Ông từng xuất bản sách về kiến trúc, lịch sử và đào tạo giới trẻ.
Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình dày 495 trang, do Alphabooks và NXB Lao động ấn hành.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa