Câu chuyện đất đai

Thứ Sáu, 28/04/2017 07:19 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây tôi quay lại Hoàng Su Phì. Một vùng non nước bao la, vẻ đẹp thiên nhiên ở đây biến đổi kỳ ảo như những thước phim sống động. Cảnh đẹp thơ mộng đó khiến tôi bỗng nhớ lại câu nói của một giáo sư mỹ thuật người Đức, bạn của họa sĩ Lê Huy Văn, rằng: phong cảnh Việt Nam có nhiều cái đẹp, nhưng tiếc thay đó đều là vẻ đẹp của sự nhọc nhằn!

Vẻ đẹp của sự nhọc nhằn! Sao ông ấy nhìn thấu cảm xúc của tôi thế! Sau nhiều năm đi núi tôi càng nhận rõ ra điều đó. Vâng những chỗ du khách thành phố lên, thấy chỗ đẹp, các em uốn éo ngoẹo đầu, giơ hai ngón tay lên ghi hình thì sau lưng là những tầng tầng ruộng bậc thang sin sít.

Thành bờ ruộng cao ngất ngư, có chỗ gần hai mét. Còn độ rộng chỉ ba hàng lúa nghĩa là bằng ba gang tay, có chỗ rộng hơn chỉ chừng một mét. Còn chiều dài thì có thửa như một sợi dây quấn quanh quả đồi. Nhìn thành quả bao nhiêu đời bửa đồi san núi để hôm nay có những trùng trùng ruộng bậc thang ngút mắt cho con cháu. Đẹp thật, nhưng đúng là vẻ đẹp của sự nhọc nhằn.

Nhìn những cánh đồng bậc thang của Hoàng Su Phì  hay Y Tý , Mù Cang Chải người ta thấy máu và mồ hôi của bao thế hệ đắp lên chồng chất như thành lũy. Những thửa ruộng bám quanh lưng đồi như đường thêu khéo léo nhưng vô cùng nhọc nhằn của người Mông sống lăn lóc trên  vùng đất đó. Ruộng trên rừng quý như vậy đó.

Một lần xem truyền hình trực tiếp Quốc hội họp, tôi nghe thấy một đại biểu kêu lên trên diễn đàn: “Xin đừng tiếp tục lấy đất của nông dân nữa”. Là người gốc gác dân quê, tôi cũng từng là một nông dân trước khi thoát ly, thấy đó là tiếng kêu xé lòng của một đại biểu nhân dân hết lòng vì người dân. Nhưng thấy tiếng kêu chìm đi trong chốc lát, lạc lõng mà buồn rưng rức!

Ngẫm ngợi cuối tuần: Câu chuyện đất đai

Ngẫm ngợi cuối tuần: Câu chuyện đất đai

Trong văn khấn ngày mồng Một Tết hay Rằm tháng Bảy, ngoài cung thỉnh hoàng thiên hậu thổ bao giờ người ta cũng nhắc thêm ông tiền chủ, bà tiền chủ, kính cẩn mời ông bà tiền chủ cùng lâm lai phối hưởng lễ lạt.

Tuy bây giờ, sau bao nhiêu cải cách đổi mới thì nước ta cơ bản vẫn là nước nông nghiệp với trên 70% vẫn là nông thôn. Chính ruộng đất đã bảo đảm an ninh lương thực cho 90 triệu dân trong bao phen kinh tế chao đảo vì những cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mà đất nước không bị rơi vào biến động. Người canh gác sự yên bình cho đất nước, đến hôm nay vẫn là nông dân.

Nhìn trùng trùng ruộng bậc thang trên núi, lại nhìn xuống đất đồng bằng mới thấy đất đai quý như thế nào! Vậy mà chỉ một chữ ký cho dự án địa ốc, sân gôn đã thổi bay đi hàng mấy trăm héc ta đất ruộng mới thấy những chữ ký đó hoang phí tài nguyên như thế nào… trong khi đất đồi còn cơ man. Sự tính toán vội vàng, sự quản lý chưa chặt chẽ trong việc thu đất cho những dự án đã làm lãng phí đất đai không thể tính xuể.

Chỉ riêng làng tôi, một vùng ngoại thành,mấy trăm héc ta cho dự án khu công nghiệp, thu đất lấp cát rồi để cỏ mọc mấy chục năm, giờ vẫn loi thoi khởi động. Chẳng trách nào trong các báo cáo về khiếu kiện khắp nơi thì có đến trên 80% vướng vào chuyện đất đai, với những dự án chiếm đất là chính. Mà đau lòng thay lại chính là những mảnh ruộng nuôi dưỡng cả đất nước này!

Đất đai là kết tụ bằng máu và mồ hôi người dân không thể bị lợi dụng làm giàu cho một nhóm lợi ích nào đó mãi nữa.Đất đai phải được bảo vệ, đất đai phải được an ninh. Đó là lời kêu gọi thống thiết mà đại biểu trên diễn đàn Quốc hội kêu lên mấy năm nay, giờ tiếng vọng đó đang lan truyền  đi khắp nơi. Báo động đỏ rồi, các bạn!

Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›