Câu chuyện thể thao: Chuyện của Béo, Zô, Mun và Tũn

Thứ Sáu, 20/10/2023 08:07 GMT+7

Google News

Đó là tên gọi thân mật của 4 cô gái vừa đem về tấm HCV sau 17 năm chờ đợi của cầu mây Việt Nam tại đấu trường ASIAD.

"Béo chuyền cao lên" hay "Zô chuyền sang trái đi"… Những ai theo dõi đội tuyển 4 nữ cầu mây thi đấu tại ASIAD 19 thì không tránh khỏi thắc mắc khi các nữ tuyển thủ gọi nhau, nhắc nhau trên sân thi đấu một cách rất… khó hiểu.

Những "cô gái vàng" trên sàn đấu

Nhưng thực ra lại rất đơn giản vì gọi nhau bằng biệt danh của từng người. Nguyễn Thị Yến được gọi là Mun, Trần Thị Ngọc Yến là Tũn, Nguyễn Thị My là Béo và Nguyễn Thị Ngọc Huyền là Zô.

"Không biết tên thân mật của từng người có từ bao giờ và tại sao nhưng chúng em toàn gọi nhau như thế. Như em thì là hồi nhỏ da em đen nên gọi là Mun. Sau này khi lớn lên và trắng ra rồi nhưng mọi người vẫn cứ gọi như thế", Nguyễn Thị Yến lý giải về tên gọi rất đặc biệt của mình sau trận chung kết giành huy chương vàng ASIAD 19.

Theo chia sẻ của HLV Trần Thị Vui, thành công của cầu mây Việt Nam, tiêu biểu với tấm huy chương vàng của Béo, Zô, Mun và Tũn không chỉ đến từ nỗ lực, tài năng và khổ luyện. "Sự đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ rất tốt cho nhau đã giúp họ đi đến thành công nhanh hơn".

ASIAD 19 mới chỉ là giải đấu quốc tế thứ 4 mà Béo, Zô, Mun và Tũn thi đấu cùng với nhau, trước đó là 2 kỳ SEA Games 31, 32 và giải VĐTG. Dù vậy, sự gắn kết, bổ trợ lẫn nhau rất nhịp nhàng đã giúp mỗi người đều tiến bộ và tạo nên sức mạnh tập thể.

"Trong thi đấu thể thao nhất là môn tập thể luôn có sự cạnh tranh hay vươn lên khẳng định của từng cá nhân. Nhưng ở đội tuyển 4 nữ, các em không bao giờ so bì ai giỏi hơn ai, mà luôn giúp nhau khắc phục hạn chế, rồi hỗ trợ lẫn nhau trong thi đấu. Đây là điều tôi cảm thấy rất mừng và thật sự là may mắn khi huấn luyện", HLV Trần Thị Vui chia sẻ.

"Em Tũn chơi quá hay. Chúng ta đã chờ đợi quá lâu rồi!", cựu tuyển thủ quốc gia Lưu Thị Thanh đã phải thốt lên như vậy sau khi chứng kiến màn ngược dòng ấn tượng của đội tuyển 4 nữ Việt Nam trước Indonesia trong trận chung kết.

Lưu Thị Thanh - Hải Thảo - Bích Thùy là những "cô gái vàng" thế hệ đầu tiên của cầu mây Việt Nam với 2 tấm HCV tại ASIAD năm 2006 tại Doha, Qatar. Và lời khen ngợi thế hệ đàn em có thể được hiểu như một sự thừa nhận, Béo - Zô - Mun - Tũn xứng đáng là những "cô gái vàng" phiên bản 2.0.

Câu chuyện thể thao: Chuyện của Béo, Zô, Mun và Tũn - Ảnh 1.

Béo (số 2), Zô (số 12), Mun (số 11) và Tũn (số 4) cùng các đồng đội sau khi giành tấm HCV nội dung đội tuyển 4 nữ tại ASIAD 19. ẢNH: Đoàn TTVN

Nhí nhảnh trong đời thường

Trên sàn đấu là vậy nhưng ngoài giờ tập luyện, trở lại với cuộc sống đời thường, Béo, Zô, Mun và Tũn là những cô gái dễ thương, hóm hỉnh và rất hay đùa. HLV Trần Thị Vui không ít lần trở thành "nạn nhân", phải thường xuyên trả tiền trà sữa vì các học trò luôn tìm đủ mọi cách để khiến cô Vui phải "vui vẻ" móc ví.

"Cô nay mặc áo mới xinh thế. Trông mặt vui thế kia chắc là mới có nhiều tiền lắm. Con gọi ship trà sữa nha". Và chỉ lát sau, cả đội lại có "chầu" trà sữa miễn phí, còn cô Vui thì vẫn cứ phải vui vẻ trả tiền. "Đây chỉ là một trong những cách mà các em ấy hay thực hiện mỗi khi thèm trà sữa", HLV Trần Thị Vui chia sẻ.

Còn theo lời kể của Tũn, giữa 4 chị em luôn có sự đoàn kết, yêu thương nhưng là trừ lúc có… đồ ăn vặt. "Nhiều khi không ai ăn đâu nhưng mà thấy có đồ là lập tức tranh giành nhau hoặc phải lấy thật nhanh. Chủ yếu để trêu nhau vì biết là người này thích ăn cái này hay cái kia nên mình phải chiếm trước", cô em út của đội vừa cười vừa nói.

Chính những niềm vui nhỏ bé này đã giúp các tuyển thủ vượt qua được mọi vất vả trong tập luyện. Cầu mây là môn thể thao tốn rất nhiều thể lực khi vận động viên luôn vận động với cường độ cao và liên tục, song theo HLV Trần Thị Vui, rất hiếm khi thấy các học trò than phiền hay nản chí. Tất cả đều rất vui vẻ thực hiện giáo án và nhiều hôm còn tập thêm giờ.

"Trước giải VĐTG bọn em hạ quyết tâm là phải thắng Thái Lan nên toàn đội đều tập thêm để nâng thể lực và hoàn thiện mình nhanh hơn. Khá mệt nhưng ai nấy đều tự động viên phải cố gắng vượt qua. Sau này đến khi giành chiến thắng thì thật sự vui sướng. Đây cũng là kỷ niệm mà mấy chị em đều rất nhớ", Tũn kể lại. Béo, Zô, Mun và Tũn cùng các đồng đội ở đội tuyển cầu mây quốc gia vẫn còn tiếp tục gắn bó với nhau nhiều năm nữa. Việc tìm thấy niềm vui từ tập luyện và thi đấu cùng nhau trở thành sức mạnh vô hình giúp họ có thể chinh phục thêm nhiều tấm huy chương cho thể thao Việt Nam trong tương lai. Còn lại chỉ cần "mọi người và thầy cô luôn khỏe mạnh" như điều ước rất giản dị của Tũn vào dịp 20/10.


Vũ Lê

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›