Trong đợt trận FIFA Days vừa qua, đội tuyển Thái Lan để thua 2 trận trước Syria và UAE đều với cách biệt 2 bàn. Màn ra mắt của tân HLV Jurgen Klinsmann tại đội tuyển Hàn Quốc không mấy vui vẻ khi chỉ tìm được 1 trận hòa, 1 trận thua trước 2 đối thủ đến từ Nam Mỹ là Colombia và Uruguay. Đây cũng là kết quả thi đấu của đội tuyển Nhật Bản, cũng trước 2 đội Nam Mỹ nói trên.
1. Đá với các đối thủ mạnh hơn, thua là bình thường và điều này có lợi ích lớn hơn so với việc chỉ gặp các đối thủ ngang hoặc dưới tầm. Nhưng tại sao việc U23 Việt Nam thua toàn tập ở Doha Cup 2023 trước các đội có thứ hạng FIFA cao hơn, lại nhận nhiều ý kiến phản biện, tỏ ý nghi ngờ cách chọn lựa chiến thuật của tân HLV Philippe Troussier?
Bản chất của vấn đề có lẽ nằm ở sự kỳ vọng. Những đối thủ mà U23 Việt Nam gặp tại Qatar không mới và dưới thời HLV Park Hang Seo thì chúng ta đều có kết quả tốt khi thi đấu với họ ở các cấp độ đội tuyển.
Ví dụ như U23 Iraq từng là bại tướng của U23 Việt Nam trong kỳ tích Thường Châu 2018. Về cơ bản, họ đều không phải là những đội bóng mà chúng ta không thể đánh bại. Vậy nhưng, cách mà U23 Việt Nam để thua trận gây ra một cảm giác là chúng ta đang kém họ quá nhiều về trình độ. Từ chỗ đang tìm cách chơi sòng phẳng với các đội "cửa trên" này thay vì phải đá theo kiểu rình rập, thì kết quả cho thấy chúng ta đang thụt lùi.
Sự kỳ vọng còn nằm ở chỗ, đội ngũ trong tay HLV Troussier là sự kết hợp giữa đội U23 từng chơi tưng bừng ở giải châu Á năm ngoái, với đội U20 cũng vừa có những chiến thắng nức lòng cũng ở đấu trường châu lục hồi đầu tháng. Đây là lứa cầu thủ được kỳ vọng sẽ thay thế lứa 2018 của HLV Park Hang Seo. Họ có thể không xuất sắc như thế hệ vàng kia, nhưng vì vậy mới kỳ vọng vào tài năng của ông Troussier, một nhà cầm quân từng tạo ra kỷ nguyên mới cho bóng đá Nhật Bản.
Tóm lại, đá 3 trận toàn thua đã không vui, mà những gì trông thấy lại không giống như kỳ vọng, nên cái cảm giác mất lòng tin bắt buộc phải xuất hiện, không thể tránh khỏi.
2. Nếu so với thời của HLV Park Hang Seo thì cách tiếp cận trận đấu của HLV Troussier mở ra nhiều không gian chơi bóng hơn cho các cầu thủ bằng cách kiểm soát bóng và đá với khối đội hình dâng cao. Vấn đề là liệu chúng ta có thể thành công với triết lý này hay không khi nguồn lực con người có những giới hạn quá rõ ràng.
Để đá được như vậy, cầu thủ phải giàu thể lực, có xu hướng chơi đa năng, đá được nhiều vị trí, nhưng những phẩm chất đó thông thường chỉ đến từ quá trình thi đấu đầy đặn, liên tục, chưa nói đến việc các trận đấu mà họ tham gia phải có tính cạnh tranh cao.
Trong khi đó, trước và sau khi sang dự Doha Cup, ông Troussier đều có một mong muốn là cầu thủ của ông được thi đấu nhiều hơn. Không may thay, đó là chi tiết không thể thay đổi được với hệ thống thi đấu hiện tại của bóng đá Việt Nam.
Số trận đấu của các cầu thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam không chỉ ít, mà còn bị đóng khung ở mức tối thiểu. Tổng thời gian thi đấu thực tế có khi chỉ là 5 tháng, nhất là ở các năm V-League liên tục bị dừng để phục vụ cho việc tập trung các đội tuyển rồi sau đó phải đá dồn dập 6-7 trận/tháng. Nhịp điệu chơi bóng hay các tính toán điểm rơi của cầu thủ trở thành thứ xa xỉ. Không thể có một phép màu nào để giúp một cầu thủ trẻ được chơi bóng nhiều tại cấp CLB.
3. Tăng thời gian chơi bóng của cầu thủ là điều mà HLV Troussier không làm được, VFF hay VPF cũng không, người hâm mộ hay các chuyên gia thì cũng chỉ biết góp ý và phàn nàn chứ chẳng thể làm gì khác. Nên chỉ còn một điều duy nhất mà ai cũng có thể làm: hạ thấp kỳ vọng.
Tham vọng dự World Cup là điều tuyệt vời nhất từng đến với bóng đá Việt Nam, nhưng chúng ta không thể xây lâu đài trên cát. Không thể đem chuyện của bóng đá nam để so sánh với các tấm vé World Cup mà U20 hay futsal hay bóng đá nữ đã làm được. Có những thứ tưởng là giống, nhưng hoàn toàn khác biệt.
Đến năm 2019, chúng ta mới hiện thực hóa được giấc mơ vàng SEA Games mà cũng phải đợi đến lứa cầu thủ xuất sắc đặc biệt của triều đại Park Hang Seo, cho dù trước đó đã có đến 4 lần vào đá chung kết tranh HCV. Ngược lại, bóng đá nữ đã có HCV SEA Games từ hồi 2001.
Ở bóng đá nữ, Việt Nam là đội mạnh của châu Á, thường xuyên đứng hạng 5-7, tức là ngấp nghé với suất dự World Cup mà FIFA dành cho châu Á nên khi World Cup mở rộng thì đội tuyển nữ hiện thực hóa được ngay giấc mơ. Những tấm vé của U20 hay futsal là một vấn đề khác, bởi lộ trình thường ngắn hơn, ít khó khăn hơn do quá trình tuyển chọn thường thông qua những giải đấu Cúp có phần may rủi.
Trong khi đó, cứ lấy hành trình vòng loại World Cup 2022 mà xem, đội tuyển Việt Nam phải đá 8 trận vòng bảng với các đối thủ tầm UAE rồi Thái Lan, Malaysia. Sau đó đá tiếp 10 trận nữa ở vòng loại cuối cùng với 5 đội có hạng FIFA cao hơn và đẳng cấp thì vượt trội.
Theo tính toán, để có một tấm vé World Cup thì một đội tuyển phải thắng ít nhất 70% số trận vòng loại châu lục. Cả 4 đội bóng vượt qua vòng loại châu Á (ngoài chủ nhà Qatar) đều chỉ thua tối đá 3 trong số 18 trận mà họ phải đấu.
Trong một vài trận đấu cụ thể, bằng cách nào đó cả về chiến thuật lẫn may mắn, đội tuyển Việt Nam có thể tạo ra "địa chấn" nhưng điều đó không thay đổi được đẳng cấp hay thứ hạng trình độ, những yếu tố quyết định đến thành – bại của một chặng đường quá dài, quá khó khăn như thầy trò HLV Park Hang Seo từng trải qua.
Ngay cả khi có nhiều may mắn, thì chuyện phải thắng đến 5-6 trận trước các đối thủ lớn là gần như không thể. Phương án duy nhất là phải tính toán, phải có một lối chơi sở trường dựa trên nguồn lực và các giới hạn của cầu thủ Việt Nam. Làm được việc đó chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, nói gì đến việc áp đặt thế trận.
Ông Troussier không có băn khoăn gì khi muốn các cầu thủ của mình có cách tiếp cận và tư duy chơi bóng chủ động. Tham vọng dự World Cup cũng không phải là điều quá xa xỉ với một nền bóng đá giàu khao khát như Việt Nam, nhưng không thể làm điều đó bằng mơ mộng hay cả chỉ trích vì thất vọng. Có chuyện đơn giản hơn để làm, đó là hãy để cầu thủ được thi đấu nhiều hơn và tiết chế những kỳ vọng.