Tại kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng UNESCO, được tổ chức từ tháng 10 đến tháng 11/1995, đề xuất về việc dành 1 ngày thường niên để tôn vinh sách đã được đưa ra. UNESCO công nhận rằng "sách từ lâu đã là yếu tố mạnh mẽ nhất trong việc truyền bá kiến thức và là phương tiện hiệu quả nhất để lưu giữ kiến thức".
UNESCO đã bàn bạc và chính thức lập ra Ngày Sách và Bản quyền thế giới - gọi tắt là Ngày Sách thế giới - tại kỳ họp. Ngày này được ấn định vào 23/4 hàng năm, bắt đầu từ năm 1996.
Nguồn gốc xa xưa
Dù vậy, nhiều người cho rằng Ngày Sách thế giới đã được tổ chức từ lâu trước khi được UNESCO chính thức công bố. Và điều này thật ra cũng không hoàn toàn sai.
Ý tưởng về ngày sách ở Tây Ban Nha có từ năm 1923, khi nhà văn Vicente Clavel Andres đề xuất với Phòng Sách chính thức của Barcelona về việc lập ra một ngày cụ thể dành riêng cho sách. Ý tưởng này được Vua Alfonso XIII của Tây Ban Nha phê chuẩn vào năm 1926.

Pere Vicens, người đã góp công lớn trong việc ra đời Ngày Sách thế giới
Ngày sách ở Tây Ban Nha ban đầu được tổ thức vào ngày 7/10 nhưng từ năm 1930 thì được ấn định lại vào ngày 23/4. Khi đó, nó trùng với Ngày Thánh George lâu đời ở đây. Ngày Thánh George được coi là phiên bản Ngày Lễ tình nhân của người Catalonia, còn được gọi là Ngày Sách và Hoa hồng, do mọi người sẽ tặng nhau cả hoa hồng và sách vào ngày này. Như thế, Ngày Sách ở Tây Ban Nha đã hòa nhập với cả truyền thống cổ xưa liên quan tới sách.
Tuy nhiên, để Ngày Sách của Tây Ban Nha trở thành sự kiện quốc tế, còn có sự đóng góp rất quan trọng của Pere Vicens.
Pere Vicens sinh năm 1939 tại Barcelona, là Nam tước thứ 2 của Perpinya. Ông là con trai của Jaume Vicens Vives - một sử gia lừng lẫy của Tây Ban Nha - và Maria del Rosario Rahola de Espona - biên tập viên và là hậu duệ của Nam tước Perpignan thứ nhất.
Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế tại Đại học Barcelona, vì bố qua đời đột ngột, Pere Vicens phải tiếp quản nhà xuất bản của gia đình khi mới 22 tuổi.
Sau hơn 6 thập kỷ, ông đã biến nhà xuất bản nhỏ này thành một công ty xuyên Đại Tây Dương với hàng trăm nhân viên và hoạt động trên khắp Mỹ Latin. Ngoài công việc xuất bản, Pere Vicens còn là chủ tịch Liên đoàn Xuất bản Quốc tế - nơi có 74 quốc gia thành viên và chịu trách nhiệm bảo vệ quyền tác giả, và là thành viên Hội đồng Xuất bản UNESCO. Cùng với nhiều sáng kiến khác, ông là người đã thúc đẩy UNESCO công nhận ngày 23/4 là Ngày Sách Thế giới.

Đọc sách đã được chứng minh là mang tới rất nhiều lợi ích
Vào tháng 11/1995, Federico Mayor - nhà khoa học, học giả, chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà thơ người Tây Ban Nha, từng giữ chức Tổng giám đốc UNESCO từ năm 1987 đến năm 1999 - đã vui mừng gửi thư cho Pere Vicens, thông báo rằng UNESCO đã nhất trí tuyên bố ngày 23/4 là Ngày Sách và Bản quyền Thế giới.
Ngày Sách Thế giới chính thức đầu tiên, 23/4/1996, là một ngày đặc biệt ở Barcelona. Vào thời điểm đó, Đại hội Liên đoàn Xuất bản Quốc tế đã diễn ra, với sự tham dự của gần 1.000 nhà xuất bản và đại diện tới từ 47 quốc gia khác nhau.
Cũng cần lưu ý rằng, không chỉ tôn vinh sách, ngày 23/4 còn là ngày kỷ niệm bản quyền - khuôn khổ pháp lý cho phép và thúc đẩy hệ sinh thái sách phát triển mạnh mẽ. Nhờ có bản quyền, hàng ngàn tác giả và nhà xuất bản trên khắp thế giới có thể đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc sáng tạo và xuất bản nhiều tác phẩm làm giàu thêm văn hóa cho thế giới.
"Thông qua việc đọc và kỷ niệm Ngày Sách và Bản quyền thế giới, ngày 23/4, chúng ta có thể mở lòng với người khác, bất chấp khoảng cách, và du hành qua trí tưởng tượng của chính mình" - theo UNESCO.
Tại sao lại là ngày 23/4?
UNESCO đã quyết định chọn 23/4 là Ngày Sách thế giới vì vào ngày 23/4/1616, 3 nhà văn vĩ đại của nhân loại đã qua đời: Miguel de Cervantes, William Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega.
Trên thực tế, ngày dành cho sách ở Tây Ban Nha ban đầu là ngày 7/10 vì đó là ngày sinh của Cervantes. Sau này, nó mới được chuyển qua ngày 23/4, là ngày mất của đại văn hào. Là cha đẻ của kiệt tác Don Quixote, Cervantes được nhiều người đánh giá là nhà văn vĩ đại nhất trong văn học Tây Ban Nha, và là 1 trong những tiểu thuyết gia xuất sắc nhất thế giới.

(Từ trái qua phải) Miguel de Cervantes, William Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega
Thế nhưng, có đúng là ông mất vào ngày 23/4/1616? Theo Viện Hàn lâm Lịch sử Hoàng gia Tây Ban Nha, Cervantes thật sự mất vào ngày 22/4/1616 tại Madrid. Vậy tại sao lại ghi nhận sang ngày 23/4?
Đó là do sai lầm đơn giản: Ngày mất được coi là ngày diễn ra tang lễ. Tang lễ của Cervantes diễn ra tại Tu viện Trinitarias Descalzas ở Madrid vào ngày 23/4/1616!
Về Shakespeare - nhà văn viết tiếng Anh vĩ đại nhất và là nhà viết kịch xuất chúng nhất thế giới - ông quả thật mất ngày 23/4/1616. Tuy nhiên, đó là theo lịch Julius, vốn được sử dụng ở Anh vào thời điểm đó.
Còn ở Tây Ban Nha, lịch được sử dụng là lịch Gregorius. Theo lịch này, thời điểm Shakespeare qua đời là vào ngày 3/5/1616. Như vậy, thật ra, ông và Cervantes không mất cùng ngày.
Về Inca Garcilaso de la Vega - thường được biết đến với cái tên El Inca - ông là nhà văn, nhà biên niên sử sinh ra tại Peru. Ông chủ yếu được biết đến qua các biên niên sử về lịch sử, văn hóa và xã hội Inca.

Ngày Sách thế giới có thể truy ngược về Ngày Sách và Hoa hồng có từ xưa trong văn hóa Tây Ban Nha
Tác phẩm của ông được đọc rộng rãi ở châu Âu, có ảnh hưởng và được đón nhận nồng nhiệt. Sách của ông là tác phẩm văn học đầu tiên của một tác giả sinh ra ở châu Mỹ được đưa vào hàng kinh điển ở phương Tây.
Thời điểm năm 1616, dù lịch Inca vẫn được dùng cho mục đích nông nghiệp và tôn giáo ở một số nơi, chủ yếu người Peru dùng lịch Gregorius, giống với Tây Ban Nha. Như vậy, với El Inca mất vào ngày 23/4 theo lịch Gregorius, 3 nhà văn này thật ra mất vào 3 ngày khác nhau.
Nhưng nhìn chung, dù có đôi chút sai lệch về thời gian, tinh thần của Ngày Sách Thế giới là không đổi. Theo UNESCO: "Thông qua việc đọc và kỷ niệm Ngày Sách và Bản quyền thế giới, ngày 23/4, chúng ta có thể mở lòng với người khác, bất chấp khoảng cách, và du hành qua trí tưởng tượng của chính mình. Ngày này tôn vinh sách và tác giả, đồng thời thúc đẩy khả năng tiếp cận việc đọc cho càng nhiều người càng tốt".
Hơn nữa, tổ chức này nhấn mạnh rằng "bất kỳ sáng kiến nào thúc đẩy việc phổ biến sách đều sẽ có tác động tích cực, không chỉ giúp làm giàu văn hóa cho những người tiếp cận sách mà còn giúp phát triển nhận thức chung về di sản văn hóa thế giới và thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung và đối thoại".
Đọc sách dưới góc nhìn khoa học
Ngoài những lợi ích dễ thấy của đọc sách, khoa học đã chứng minh rằng não bộ của những người hay đọc sách có khả năng phát triển các kết nối thần kinh phức tạp và toàn diện hơn so với những người không đọc sách.
Tiến sĩ Esmeralda Matute, một nhà nghiên cứu nổi tiếng tại Viện Khoa học thần kinh thuộc Đại học Guadalajara, giải thích: "Trên thực tế, nhiều nghiên cứu về nhận thức của những người mù chữ được tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới, cho thấy một số lĩnh vực nhận thức khác với những người đọc thành thạo; trong số đó có ngôn ngữ, trí nhớ, kỹ năng thị giác không gian và trên hết là kỹ năng siêu ngôn ngữ. Ngôn ngữ viết, về bản chất, là một hoạt động siêu ngôn ngữ, mở ra cánh cửa đến với thế giới tư duy trừu tượng".
"Chính khả năng trừu tượng này, vốn chỉ có ở con người, đã dẫn chúng ta đến việc phát minh ra máy bay, thậm chí đặt chân lên Mặt trăng và phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo "có tư duy". Đó là lý do tại sao đọc sách không chỉ là thú vui giải trí. Đó là cánh cổng dẫn chúng ta đến những cấp độ tư duy không thể tưởng tượng nổi".
Ngoài ra, nghiên cứu do các học giả từ Đức, Slovenia, Hà Lan và Na Uy thực hiện, được công bố dưới tiêu đề "Tuyên ngôn đọc sách Ljubljana" nêu rõ: "Đọc không chỉ là con đường chính dẫn đến sự phát triển cá nhân, là nền tảng của việc học tập suốt đời và là cơ sở cho phần lớn việc trao đổi thông tin của chúng ta, mà còn là trung tâm của tương tác xã hội và sự tham gia của mọi người".
"Hành động đọc hiểu bậc cao là bài tập về sự chú ý và kiên nhẫn về nhận thức, mở rộng vốn từ vựng và các khái niệm, đồng thời thách thức các định kiến của người đọc. Các văn bản dài hơn, chẳng hạn như sách, đặc biệt phát triển các kỹ năng đọc hiểu bậc cao của chúng ta".
Vì tất cả những lý do trên và nhiều lý do khác nữa, hãy mừng Ngày Sách Thế giới như công cụ tốt nhất cho sự phát triển của con người.
Tags