(Thethaovanhoa.vn) - Câu hỏi này đã được đặt ra liên tục kể từ khi giải bắt đầu tới giờ, bởi các BLV, trên mạng xã hội và từ những cầu thủ nổi tiếng như Abby Wambach. Tuyển thủ Mỹ nói chơi trên sân cỏ nhân tạo với cô là “một cơn ác mộng”.
Nhưng vấn đề không chỉ là chất lượng mặt sân, đó còn là dấu hiệu của một trục trặc lớn hơn nhiều: sự bất công trong bóng đá nam và nữ.
Khi Canada giành quyền đăng cai World Cup, 5 trong 6 sân mà họ chuẩn bị cho giải là sân với cỏ nhân tạo thay vì cỏ thật. Sân thứ 6, Moncton, có cỏ thật, nhưng để đảm bảo sự công bằng, cũng bị thay bằng cỏ nhân tạo. Canada là nước duy nhất đăng cai World Cup nữ, nên mọi lời than phiền của các cầu thủ đã bị phớt lờ.
Sân cỏ nhân tạo cũng không phải là hiếm trong bóng đá: dù cỏ nhân tạo đắt hơn lúc lắp đặt, chi phí bảo trì và vận hành trong dài hạn rẻ hơn. Đó là lý do tại sao rất nhiều nơi vẫn dùng sân cỏ nhân tạo, nhất là khi cường độ thi đấu dồn dập. Ngay cả các giải nam U17 và U20 thế giới cũng từng dùng sân cỏ nhân tạo. Bộ phận y tế của FIFA, sử dụng dữ liệu từ giải năm 2005 ở Peru, đi tới kết luận rằng khả năng chấn thương ở sân thường và sân cỏ nhân tạo không khác nhau là mấy.
Nhưng rất nhiều cầu thủ nữ không thích cỏ nhân tạo. Những người chỉ trích nói cỏ nhân tạo gây ra những vết xước khi trượt trên sân. Ngoài ra, chấn thương không phải xảy ra ngay lập tức, mà tích tụ, do mặt sân cứng hơn và có độ đàn hồi kém hơn. Cuối cùng, nhiệt độ mặt sân ở các sân nhân tạo thường cao hơn nhiều so với cỏ tự nhiên, gây ra sự mệt mỏi nhanh chóng cho cầu thủ.
Tất nhiên, chỉ những nghiên cứu khoa học sâu hơn nữa mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng, nhưng một điều khá rõ ràng: mọi giải đấu đỉnh cao trên thế giới đều diễn ra trên sân cỏ tự nhiên, ít ra là với nam giới, như Copa America và World Cup U20 đang được tiến hành song song với World Cup nữ. Phải chăng chúng ta đã mất hết sự mã thượng và ga-lăng, hay tệ hơn, phân biệt đối xử, khi để phụ nữ chơi trên mặt sân cứng và thô ráp, trong khi nam giới lại được đá sân cỏ tự nhiên mềm mại?
Trước giải, các nữ cầu thủ đã cùng ký kiến nghị mong FIFA xem xét để họ được đá trên sân cỏ tự nhiên. Không được đáp ứng, đơn kiến nghị trở thành đơn kiện, với 81 cầu thủ từ 13 nước đã ký đơn, dù vụ kiện không đi đến đâu. FIFA lẽ ra đã có thể yêu cầu Canada cung cấp các sân cỏ tự nhiên và hỗ trợ nguồn ngân quỹ cho điều đó. Trái lại, FIFA gửi đi thông điệp cho các LĐBĐ những nước có đội tuyển nữ tham dự World Cup 2015 rằng sự phản đối kiểu đó là không được chấp nhận.
Mặt sân chỉ là một trong rất nhiều sự bất công mà các cầu thủ nữ đang phải chấp nhận. Các đội tuyển nữ khu vực Caribe như Trinidad và Tobago hay Haiti nhận được rất ít sự hỗ trợ từ LĐBĐ quốc gia, tới mức các cầu thủ phải tự quyên tiền để đi đá các trận vòng loại.
Hầu hết các cầu thủ nữ trên thế giới không được trả lương hoặc có thu nhập rất ít ỏi từ bóng đá, phải làm những công việc toàn thời gian và chăm sóc gia đình cùng lúc với chơi bóng. “Khoan hãy nói chuyện sân cỏ tự nhiên, các cầu thủ nữ phải được ăn trưa đã”, Shireen Ahmed, nữ cầu thủ theo đạo Hồi người Canada, nói.
Nhưng những lời kêu gọi đó nhìn chung là rơi vào quên lãng. Ngay lúc này, vẫn không LĐBĐ nào trên thế giới hỗ trợ ngang bằng cho đội tuyển nam và nữ, sự bất công khiến cho điều đó tưởng như đã trở thành tất yếu.
Nhưng thực tế này rõ ràng là do chúng ta tạo ra, chúng ta có thể thay đổi. FIFA và các LĐBĐ không phải là những doanh nghiệp, họ là các tổ chức phi lợi nhuận vì sự phát triển của bóng đá. Trong bóng đá nữ, họ chưa hành động đúng với tôn chỉ của mình.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Tags