Nhà tuyển dụng thích hỏi những câu kỳ quặc để kiểm tra EQ của ứng viên.
Ngày nay trong các cuộc phỏng vấn, phía nhà tuyển dụng không chỉ hỏi ứng viên những câu hỏi về chuyên môn, kinh nghiệm làm việc mà còn hỏi thêm nhiều câu khá... kỳ quặc để kiểm tra EQ. Đặc biệt là với những công việc đòi hỏi sự giao tiếp giỏi như Marketing, Chăm sóc khách hàng,... phía tuyển dụng càng thích hỏi thêm những câu thử thách EQ.
Thực tế, nhiều công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới cũng từng khiến ứng viên ngỡ ngàng khi hỏi những câu "chẳng liên quan". Chẳng hạn Tony Hsieh, CEO của Zappos từng hỏi ứng viên: "Trên thang điểm từ 1 đến 10, mức độ may mắn của bạn nằm ở đâu?". Hay David Gilboa, CEO của Warby Parker đưa ra câu hỏi "Trang phục gần đây nhất bạn mặc là gì". Còn Stormy Simon, CEO của Overstoc từng đưa ra một câu hỏi oái oăm không kém: "Nếu được chọn là một con vật, bạn chọn là gì?".
Tại Trung Quốc, cũng từng xảy ra trường hợp, một công ty đưa ra câu hỏi phỏng vấn rất oái oăm, khiến ứng viên toát mồ hôi hột. Theo đó, cô Tiểu Trương là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc.
Sau khi nộp hồ sơ nhiều nơi, Tiểu Trương được một công ty xếp lịch hẹn phỏng vấn. Nửa đầu cùa cuộc phỏng vấn diễn ra khá suôn sẻ. Tiểu Trương trả lời trôi chảy hết các câu liên quan đến lĩnh vực chuyên môn. Tuy nhiên đến cuối buổi phỏng vấn phía tuyển dụng bất ngờ đưa ra một câu hỏi cực "khoai":
"Nếu nhìn thấy răng của tôi dính rau, bạn sẽ nhắc nhở như nào?".
Khi được hỏi về vấn đề nhạy cảm này, Tiểu Trương đã suy nghĩ kỹ lưỡng về mục đích người phỏng vấn đặt ra câu hỏi. Họ muốn kiểm tra khía cạnh nào của ứng viên? Đôi khi chỉ vài từ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc ứng viên có thể nhận việc hay không.
Thực tế, đây là một câu hỏi kiểm tra trình độ EQ, phải là người tinh tế, khéo léo thì mới trả lời được. Với tình huống nhạy cảm, không thể nhắc trực tiếp "răng anh có rau kìa" khiến đối phương xấu hổ, nhưng cũng không thể lờ đi coi như không thấy, khiến đối phương tiếp tục rơi vào tình cảnh nhạy cảm mà không hay biết gì.
Cuối cùng, Tiểu Trương đưa ra câu trả lời: "Tôi sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh, mối quan hệ với đối phương để đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất. Nếu là người thân quen thì có thể nhắc nhở bằng lời trêu đùa và kể lại một tình huống ngại ngùng mà mình từng gặp phải để khiến bầu không khí vui vẻ. Hoặc đơn giản là mỉm cười, chỉ vào răng để ra hiệu cho đối phương ngầm hiểu sự cố. Trong trường hợp không thân quen, có thể viết ghi chú để đưa cho đối phương. Quan trọng nhất, không bao giờ nói to tình huống xấu hổ của người khác ở nơi công cộng".
Cách xử lý của Tiểu Trương sau đó nhận được nhiều sự đồng tình của phía nhà tuyển dụng. Cô cũng đánh bại cô gái phỏng vấn trước đó, đưa ra giải pháp "khuyên họ uống nước" để nhận được công việc.
Tags