Đã từng có thời cầu lông Trung Quốc thể hiện sự thống trị tuyệt đối bằng việc giành trọn bộ 5 HCV ở một kỳ Olympic. Nhưng bây giờ, họ không còn vị thế thống trị như vậy nữa.
Nội dung đơn nam Olympic 2024 là minh chứng rõ ràng nhất cho sự sa sút của cầu lông Trung Quốc khi họ không có nổi một đại diện ở vòng bán kết. Ba tay vợt đứng trên bục huy chương lần lượt là Viktor Axelsen (Đan Mạch), Kunlavut Vitidsarn (Thái Lan), Lee Zii Jia (Malaysia), còn xếp thứ tư là Lakshya Sen (Ấn Độ).
Cầu lông Trung Quốc sa sút dần sau đỉnh cao London 2012
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, cầu lông Trung Quốc vẫn là số một về số lượng HCV ở Olympic. Cụ thể, kể từ khi môn cầu lông được đưa vào chương trình thi đấu của Thế vận hội từ năm 1992, Trung Quốc đã giành được 22 HCV các loại (bên cạnh 15 HCB và 15 HCĐ). Con số ấy bỏ xa những đoàn kế tiếp như Indonesia (8), Hàn Quốc (7), Đan Mạch (3), Đài Loan (2), Nhật Bản, và Tây Ban Nha (1).
Ở kỳ Thế vận hội London 2012, Trung Quốc thậm chí còn thâu tóm cả 5 bộ huy chương của môn cầu lông. Huyền thoại Lin Dan bảo vệ thành công tấm HCV đơn nam với màn ngược dòng ngoạn mục trước Lee Chong Wei (Malaysia) ở trận chung kết. Trong khi đó, trận chung kết đơn nữ là chuyện nội bộ của các tay vợt Trung Quốc, Li Xuerui và Wang Yihan. Ngoài 5 tấm HCV ấy, Trung Quốc còn giành 2 HCB và 1 HCĐ nữa. Trong lịch sử, chưa từng có một đội tuyển cầu lông nào thống trị Olympic như thế cả.
Nhưng sau đỉnh cao ở London, Trung Quốc không còn duy trì được sự thống trị của mình nữa, dù họ đều giành được 2 HCV ở mỗi kỳ Olympic sau đó. Tại Rio 2016, Chen Long đã chứng minh anh xứng đáng kế tục Lin Dan khi đánh bại Lee Chong Wei ở chung kết đơn nam, nhưng nội dung đơn nữ là một nỗi thất vọng lớn khi 3 tay vợt đứng bục huy chương lần lượt là Caroline Marin (Tây Ban Nha), Pusarla Venkata Sindhu (Ấn Độ), và Nozomi Okuhara (Nhật Bản). 5 năm sau, Chen Yufei đã giành HCV đơn nữ, nhưng ở nội dung đơn nam, Chen Long đã thất bại trước Viktor Axelsen (Đan Mạch).
Và bây giờ, ở Paris 2024, niềm hy vọng lớn nhất Shi Yuqi (hạt giống số 1) bị Kunlavut Vitidsarn loại từ tứ kết đơn nam với tỷ số cực chênh lệch 21-12, 21-10. Li Shifeng (6) thậm chí còn bị đối thủ người Singapore Loh Kean Yew loại từ vòng 1/8. Ở nội dung đơn nữ, Chen Yufei bị loại từ tứ kết, còn He Bingjiao vào được chung kết nhưng thua An Se Young (Hàn Quốc) khá chóng vánh với tỷ số 13-21, 16-21.
Loay hoay bài toán kế thừa
Kể từ khi Chen Long giải nghệ, cầu lông Trung Quốc vẫn loay hoay tìm người kế thừa. Shi Yuqi và Li Shifeng đều vẫn nằm trong Top 10, thậm chí Shi còn xếp số 1 thế giới, nhưng chưa bao giờ họ tạo ra cảm giác có thể áp đảo đối phương như Lin Dan hay Chen Long trước đây. Shi, 28 tuổi, thậm chí còn chưa vô địch thế giới một lần nào.
Kể từ năm 2015 đến nay, cầu lông nam Trung Quốc không vô địch thế giới thêm một lần nào nữa. Họ ngậm ngùi nhìn các tay vợt Đan Mạch, Nhật Bản, Thái Lan, thậm chí là Singapore bước lên vinh quang. Ngay cả khi có lợi thế chủ nhà khi Nam Kinh đăng cai Giải vô địch thế giới 2018, niềm hy vọng Shi Yuqi cũng chỉ về nhì khi thua chóng vánh Kento Momota 11-21, 13-21 ở chung kết. Ở giải vô địch cầu lông thế giới nữ, cơn khát vô địch còn kéo dài suốt từ năm 2011 đến giờ.
Trong khi Trung Quốc đang gặp vấn đề về khoảng trống thế hệ, thì các quốc gia khác lại trỗi dậy mạnh mẽ. Viktor Axelsen và An Se Young, hai nhà vô địch đơn ở Paris hè này là một minh chứng.
Axelsen đã thi đấu như dạo chơi ở trận chung kết với Kunlavut để trở thành tay vợt nam thứ hai trong lịch sử, sau Lin Dan, bảo vệ thành công tấm HCV Olympic. Sau chiến tích vừa rồi, Axelsen tỏ ra khiêm tốn khi bảo rằng Lin Dan - thần tượng của anh - vẫn là tay vợt cầu lông vĩ đại nhất trong lịch sử. Song thực tế, với 2 HCV, 1 HCĐ, thành tích của anh ở sân chơi Olympic đã vượt qua huyền thoại người Trung Quốc. Tất nhiên, Axelsen còn kém xa Lin Dan về số chức vô địch thế giới (2 so với 5), nhưng anh mới 30 tuổi, và vẫn còn có thể thi đấu đỉnh cao vài năm nữa.
Trong khi đó, An Se Young được xem như hình mẫu vươn lên của cầu lông nữ Hàn Quốc vài năm qua. Tay vợt sinh năm 2002 này vừa đánh bại He Bingjiao rất dễ dàng để mang về tấm HCV đơn nữ đầu tiên cho Hàn Quốc sau 28 năm. An lên ĐTQG khi mới 15 tuổi, dự ASIAD ở tuổi 17, Olympic ở tuổi 19 và liên tục được tạo cơ hội cọ xát với các tay vợt lớn, tích lũy kinh nghiệm và điểm số ở các giải World Tour cấp độ cao. Năm ngoái, An Se Young vừa đoạt HCV ASIAD, vừa vô địch thế giới, và cô giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng BWF suốt từ ngày 1/8 năm ngoái đến bây giờ.
Tags