Cầu thủ Anh đơn giản là không đủ trình độ

Thứ Hai, 01/09/2014 16:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) – Một loạt cầu thủ Anh tại các đội bóng lớn đã, và đang tìm đường ra đi để gây dựng lại sự nghiệp. Đơn giản là họ không đủ trình độ. Đánh giá của nhà báo Martin Samuel trên Daily Mail

Louis van Gaal từng tuyên bố hùng hồn: “Tôi trui rèn những bộ não, chứ không phải những đôi chân”. Khi được hỏi ông sẽ áp dụng phương pháp ấy như thế nào với bóng đá Anh, với những cầu thủ vốn chơi bóng dựa vào bản năng hơn là tư duy, ông vẫn bảo vệ quan điểm của mình rằng “Đấy là các anh nghĩ thế. Chúng ta cứ chờ xem sao. Ở thời điểm này, tôi thấy họ đã làm rất tốt”.

Không có đất cho cầu thủ Anh

Nhưng đó là thời điểm trước mùa giải. Còn bây giờ, sau một vài trận đấu chính thức, với kết quả không được như ý, có lẽ chiến lược gia người Hà Lan sẽ phải đánh giá lại những cầu thủ người Anh mà mình định sử dụng trong kế hoạch gây dựng lại Man United. Và những sự ra đi là không thể tránh khỏi. Điều tương tự đã và đang diễn ra ở đội bóng láng giềng Man City.

Tom Cleverley, Danny Welbeck, và có thể cả Ashley Young tại Man United, cũng như Micah Richards, Scott Sinclair có lẽ đều đang đếm ngược những ngày của mình tại CLB. Rất nhiều trong số họ đang là xương sống của đội tuyển quốc gia, và sẽ phải cân nhắc những đội bóng nhỏ hơn như Aston Villa hoặc Everton, để được thi đấu và lọt mắt xanh của Roy Hodgson.

Jack Rodwell đã theo chân Adam Johnson để gây dựng lại sự nghiệp của mình ở Sunderland, Wilfried Zaha cũng đã trở lại với Crystal Palace. Khi thế hệ vàng của Gerrard, Lampard lần lượt rút lui, khoảng trống mà họ để lại rõ ràng là quá lớn. Những Cleverley, Richards và Young thật ra không phải không có cơ hội. Vấn đề chỉ là họ không đủ trình độ để nắm bắt chúng.


Joe Hart là cầu thủ Anh duy nhất trong đội hình chính thức của Man City

Khi Man City bị UEFA giới hạn đội hình cũng như quota về cầu thủ nội, không ít người đã tin rằng cơ hội dành cho những tài năng trẻ tự đào tạo sẽ lớn hơn. Nhưng rốt cuộc, sự đào thải nghiệt ngã vẫn diễn ra, và Man City chỉ đáp ứng yêu cầu của UEFA bằng cách lách luật (trường hợp của Lampard). Hiện tại, chỉ Joe Hart là cầu thủ người Anh có suất cứng tại Man City. James Milner mới chơi vỏn vẹn 12 phút và nhiều khả năng tiếp tục mòn đũng quần trên băng ghế dự bị.

Tại Man United, Rooney đã được bảo suất đá chính nhờ năng lực và tấm băng đội trưởng, trong khi Phil Jones và Chris Smalling đều được giữ lại. Tuy nhiên, với sự hiện diện của Daley Blind và Marcos Rojo, chắc chắn tần suất ra sân của bộ đôi này sẽ giảm bớt. Năng lực hạn chế của những cầu thủ nội đã được thể hiện trong trận thảm bại 0-4 trước đội bóng League One Milton Keynes Dons tại vòng 2 Cúp Liên đoàn. Đó là trận đấu mà Van Gaal đã tạo điều kiện để Welbeck, Reece James và Nick Powell và kết quả thì ai cũng rõ.

Liverpool, ngoại lệ duy nhất

Tất nhiên, không phải chỉ riêng các cầu thủ Anh sa sút tại các đội lớn. Việc Shinji Kagawa đã trở về Dortmund, Nani được cho mượn tới Sporting Lisbon, Javi Garcia bị đẩy sang Zenit là những minh chứng. Vấn đề là tỷ lệ cầu thủ Anh tại các CLB quá ít. Man City đã đẩy Joleon Lescott, Gareth Barry, Jack Rodwell đi, và nếu cả Richard và Sinclair đi nốt, thật khó để gọi họ là một đội bóng Anh nữa. Chất Anh của Liverpool là một ngoại lệ hiếm hoi trong hoàn cảnh các ngôi sao ngoại tràn lan tại Premier League.


Liverpool là đội bóng giàu chất Anh nhất tại Premier League

FA chắc chắn rất lo lắng với thực trạng này, nhưng chính họ cũng lúng túng trong việc tìm ra giải pháp hữu hiệu để tăng cường số lượng các cầu thủ trụ cột là người Anh tại các CLB. Với dòng chảy của những HLV ngoại tại Premier League, đó lại càng là một nhiệm vụ bất khả thi. Một trong những lý do khiến Tim Sherwood không thể tại vị lâu tại Tottenham và bị thay thế bằng Mauricio Pochettino chính là những ý kiến gay gắt của ông về một số cầu thủ ngoại. Trong tương lai, chiến lược gia này muốn tạo dựng thêm nhiều chất Anh ở White Hart Lane, nhưng ý đồ ấy bị dập tắt từ trong trứng nước.

Ý đồ cách mạng của Sherwood đã bị dập tắt bởi ở White Hart Lane, chẳng có cầu thủ nào đảm nhận vị trí dẫn dắt như cầu thủ ngoại. Điều này hoàn toàn khác ở Liverpool, nơi Gerard, Henderson là xương sống tuyến giữa còn Sterling, Sturridge là chủ đạo trên hàng công.

Ở Man United, người ta đang chỉ trích rằng Van Gaal quá tham vọng và độc đoán khi cố gắng áp dụng sơ đồ 3-5-2 với những cầu thủ vốn đã quen thi đấu trong sơ đồ 4 hậu vệ. Thật ra, Van Gaal không hề sai trong việc áp đặt chiến thuật của mình, mà đơn giản những gì ông có trong tay không phù hợp. Một huấn luyện viên giỏi không phải là một thợ hàn mà là người có thể tạo nên một cuộc cách mạng về lối chơi. Ở các nền bóng đá lớn, những thay đổi như thế không phải là lạ.

Hãy để các tài năng trẻ sống đúng tuổi
Tuần trước, khi công bố danh sách triệu tập tuyển Anh, HLV Roy Hodgson có vẻ khá bực dọc khi người ta so sánh tuyển Anh và Đức sau VCK World Cup. Ông bảo tuyển Anh không chơi như Đức bây giờ, nhưng “vào một ngày nào đó” thì có thể. Hodgson cũng khẳng định rằng hồi trẻ, những Philipp Lahm và Bastian Schweinsteiger làm gì có được những phẩm chất đặc biệt như bây giờ. Ông không sai.

Nhưng có một thực tế mà Hodgson và nhiều HLV tuyển Anh đã và đang phải đối mặt: sự ảo tưởng về tài năng và giá trị của những ngôi sao mà họ có. Không ai phủ nhận Luke Shaw là một tài năng, nhưng cái giá trên trời 27 triệu bảng mà Man United trả cho Southampton đã biến anh thành cầu thủ tuổi teen đắt nhất thế giới, kèm theo cực kỳ nhiều áp lực. Và sự nghiệp của Shaw bây giờ đang gặp nhiều thách thức bởi anh sẽ phải thích nghi với sự thay đổi quá lớn tại Man United. Quá nặng nề với một cậu bé 19 tuổi. 


Luke Shaw đã bị đặt quá nhiều áp lực bởi cái giá khổng lồ 27 triệu bảng

Hãy thử nhớ lại Phillipp Lahm là ai khi mới 19 tuổi? Một cầu thủ trẻ được cho Stuttgart mượn chứ không phải thủ quân một đội bóng vô địch thế giới. Shaw bây giờ cũng nên bắt đầu từ một vị thế như vậy.

Tuấn Cương (Theo Daily Mail)


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›