(Thethaovanhoa.vn) - Nếu chúng ta hay hỏi: “Tại sao giới cầu thủ Việt lại máu đỏ đen đến thế” thì cũng nên đặt ngược lại vấn đề là: “Cầu thủ Việt làm gì để giải trí sau những giờ tập”?
Đi sát đời sống bóng đá nội sẽ rất dễ nhận ra đáp án là: đánh bài giải trí. Đầu năm 2013, trong một lần đến Rạch Giá để theo dõi đội K.Kiên Giang chuẩn bị cho mùa giải mới, người viết cứ thấy hễ sau một buổi tập luyện vã mồ hôi buổi chiều thì khoảng chục cầu thủ K.KG lại lôi ngay bộ bài chia ra làm 2 nhóm sát phạt với nhau.
Họ đánh bài trong lúc “chờ khô mồ hôi” để đi tắm rửa rồi ăn cơm tối. Cùng ở trên với cầu thủ tầng 2 của khán đài A của SVĐ Rạch Sỏi, ngay tại cầu thang lối lên xuống là phòng của BHL với HLV trưởng và các trợ lý. Các HLV cũng thấy hết chuyện cầu thủ tụm năm tụm bảy lại đánh bài song chẳng ai nhắc nhở vì họ cũng thấy chuyện đó… bình thường.
Điều đó có nghĩa chuyện đánh bài có vẻ đã trở thành thói quen khó bỏ của giới cầu thủ Việt và họ đánh bất cứ lúc nào thấy rảnh. Hầu hết ai cũng coi đó là hình thức giải trí nếu chỉ đánh ăn thua với nhau chầu café, ăn sáng hay “nặng đô” hơn một chút là 5-10.000 đồng “cho nó có không khí”. Nhưng từ chuyện đánh bài cho vui đến đánh bài ăn tiền thật, đánh lớn cũng chẳng cách xa nhau là mấy.
Đời sống tinh thần của giới cầu thủ Việt nói chung là tẻ nhạt. Do hạn chế về trình độ học vấn, kiến thức nên cũng khó đòi hỏi cầu thủ Việt có những thói quen giải trí lành mạnh như đọc sách, xem phim hay đọc báo chí, tìm hiểu thông tin trên Internet. Thay vào đó, họ tìm cách giết thời gian bằng cách đánh bài, café hoặc lúc có tiền rủng rẻng thì đi hát hò karaoke, lên sàn nhảy.
Những thú vui giải trí này thường phát sinh nhiều hệ lụy tai hại mà điển hình như chuyện đánh bài. Thực ra cầu thủ Việt thích đánh bài từ khi còn là các cầu thủ trẻ tập năng khiếu rồi được “nuôi dưỡng” cho đến lúc trưởng thành về nghề nghiệp. Mức độ sát phạt vì vậy dễ tăng theo cấp độ thời gian, mà điển hình có lẽ là vụ các cầu thủ một CLB ở miền Trung ngày trước đánh bài, xóc “bầu cua” ở bản doanh CLB với mức độ ăn thua khốc liệt lên đến cả chục triệu đồng.
Sự nguy hại của việc đánh bài thường xuyên là nó kích thích máu đỏ đen tiềm tàng ở bản thân mỗi cầu thủ. Từ đánh bài ăn tiền, họ chuyển sang tập tành cá độ bóng đá quốc tế, rồi từ cá độ bóng đá quốc tế sang cá độ chính các trận đấu ở CLB mà mình thi đấu. Từ những cú xuống tay “chách chách” của các là bàn xuống sàn nhà đến cú “click click” vào các ô nhấp nháy đèn xanh đỏ của trang cá cược là một quá trình tịnh tiến.
Trình tự luôn là như thế vì “cờ bạc phải quen tay” chứ chẳng ai mà sau một đêm lại trở nên sành sỏi chuyện cá độ bóng đá.
Cốt lõi của vấn đề vẫn nằm ở ý thức, bởi lẽ chính những HLV hay người thầy ở các CLB cũng cho rằng chuyện đánh bài giải trí là điều bình thường nên thay vì nhắc nhở, họ coi như không có gì. So ra nếu cầu thủ quây quần ở CLB đánh bài vẫn “tốt chán” so với đi ra ngoài rượu chè, trai gái, bay lắc! Bởi vậy nó tạo thành một cái vòng luẩn quẩn đôi khi rất buồn cười về chuyện quản quân, mà đôi khi thực chất là các HLV chỉ nắm được phần xác cầu thủ chứ không quản được phần hồn của họ.
Ngăn được cái gì hay cái đó. Đã đến lúc các CLB ở Việt Nam, từ đội trẻ đến đội 1 cần chỉnh đốn lại chuyện đánh bài của cầu thủ và coi đây là điều nghiêm cấm tuyệt đối. Để tạo thành một thói quen tốt thì rất khó và lâu dài nhưng để tạo nên thói xấu như máu đỏ đen lại dễ vô cùng. Chỉ cần một bộ bài thôi cũng đủ kích thích và nuôi dưỡng dần con quỷ tham lam ẩn mình ở mỗi cầu thủ.
Nguyên An
Thể thao & Văn hóa
Tags