ĐIỂM NHẤN Đức 1-1 Italy (pen: 6-5): Cân não loạt đá 11m. Xứng đáng chung kết sớm

Chủ nhật, 03/07/2016 05:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đức đã đánh bại Italy trên chấm 11 mét để giành quyền vào bán kết Euro 2016 sau một cuộc đọ sức chiến thuật căng thẳng tới phút chót và loạt luân lưu cân não chỉ được quyết định sau cú sút thứ 9.

Những trớ trêu trên chấm luân lưu


Loạt cân não nghẹt thở đã diễn ra với đầy những điều trớ trêu. Áp lực lên cả hai đội đều quá lớn, khiến các cầu thủ đều ít nhiều mất tự tin khi đối mặt với thủ môn đối phương. Simone Gazza, cầu thủ được HLV Antonio Conte thay vào ở phút 120, rõ ràng là chỉ để đá phạt đền, lại sút hỏng. Thomas Mueller, người chưa ghi được bàn nào ở các kỳ Euro dù đã có 13 bàn ở World Cup, cũng đưa bóng chệch khung thành. Mesut Oezil, người ghi bàn cho Đức, thì lại sút trúng cột dọc. Đội trưởng Bastian Schweinsteiger, được tin cậy thực hiện pha sút cuối cùng của 5 loạt, cũng thất bại. Nhưng rồi cuối cùng tài năng của Manuel Neuer, sự chuẩn bị chu đáo của người Đức và vận may đã đủ để giúp Die Mannschaft đi tiếp.


Cuộc đấu chiến thuật

Việc HLV Joachim Loew điều chỉnh đội hình xuất phát của tuyển Đức từ 4-2-3-1 đầu giải tới giờ sang 3-5-2 ở trận gặp Italy đã báo trước đây sẽ là một cuộc đấu chiến thuật căng thẳng. Những gì diễn ra trên sân khẳng định điều đó. Cả hai đội trải qua 45 phút đầu như chơi một ván cờ lớn chờ đợi, chậm rãi, tìm cách chiếm lĩnh các khoảng trống và khóa chặt đối thủ nhiều hơn là tìm kiếm ý tưởng tấn công và sự đột phá. Thống kê cho thấy người chạm bóng nhiều nhất trên sân suốt hiệp 1 là trung vệ của Đức Jerome Boateng, điều càng khẳng định sự thận trọng của 2 HLV. Trên khắp mặt sân, mọi cầu thủ đều tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật chiến thuật. Với Italy, đó đã là cách làm quen thuộc cùng một HLV phải nói là bậc thầy về lĩnh vực này, Antonio Conte. Trong khi đó, Đức cũng không còn thể hiện hình ảnh chơi pressing, tốc độ và chuyền bóng nhanh thường thấy, khi Loew ưu tiên hơn cho việc chống phản công và kiểm soát nhịp điệu.

Đức trở về với bản thể


Đội hình 3-5-2, một tiền đạo kềnh càng với nhiệm vụ duy nhất là ghi bàn, lối đá chặt chẽ, tổ chức cực tốt, chơi rất rắn mỗi khi cần thiết, và tình huống chớp thời cơ lanh lẹ của Mesut Oezil mở tỉ số, tối qua, đã rất lâu rồi người hâm mộ mới lại thấy một tuyển Đức như thế. Đó là hình ảnh tuyển Đức của thời những năm 1974, 1990 hay 1996. Die Mannschaft đã cải tổ mạnh mẽ cả về lối chơi và phong cách từ năm 2002 trở lại đây, với một lối đá phóng khoáng, tấn công và hiện đại hơn nhiều. Nhưng trận gặp Italy tối qua đã cho thấy khi cần, người Đức có thể trở về với những giá trị cốt lõi của họ ra sao.

Một nửa Italy là Conte


Azzurri bước vào giải không có ngôi sao lớn nào trong đội hình. Thật ra, đây được coi là đội hình Italy yếu ớt nhất xét theo từng cá nhân ở các giải lớn trong nhiều năm qua. Nhưng họ đã vượt qua mọi ngờ vực để chơi như một tập thể cực kỳ ăn ý, mạnh mẽ và hiệu quả. Thật đáng nhắc rằng bộ đôi tiền đạo Graziano Pelle-Eder được gọi lên tuyển lần đầu khi 28 và 29 tuổi, một người đá ở Southampton, còn người kia chơi cho Inter Milan, nhưng họ đã phối hợp với nhau như thể chơi bên cạnh nhau hàng chục năm rồi. Tương tự là bộ ba trung vệ như một tòa pháo đài thật sự: Andrea Barzagli, Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini. Conte là người có công chính trong việc tạo ra đội bóng đó. HLV Chelsea mùa tới đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi suốt giải đấu này, nhưng có lẽ không có lời khen nào ấn tượng và thuyết phục như tối qua, khi đối thủ VĐTG của ông, Loew, đã phải thay đổi toàn bộ kế hoạch chiến thuật của ông chỉ để đối phó với sơ đồ 3-5-2, thứ tưởng như đã trở thành phế phẩm của một thời đại bóng đá cổ xưa.

Giải đấu lớn cần những đội bóng lớn

Croatia đã gây được rất nhiều cảm tình ở vòng bảng. Bỉ sau đó cũng lóe sáng ở trận thắng Hungary 4-0. Iceland tạo ra cơn địa chấn trước Anh ở vòng 16 đội. Và xứ Wales viết chuyện cổ tích khi giành vé vào bán kết. Nhưng với tất cả những ngạc nhiên thú vị đó, những giải đấu lớn vẫn cần các cuộc đối đầu đỉnh cao như Italy-Đức hôm qua, hay Italy-TBN trước đó. Từ trước khi trận đấu bắt đầu, không khí đã sôi sục. Khi trận đấu diễn ra, dù không phải là trận hay nhất ở Euro lần này về mặt chuyên môn, đó vẫn xứng đáng được gọi là trận chung kết sớm, kịch tính tới phút chót, bản lĩnh và tư cách đội bóng lớn được thể hiện rõ ràng, và sức ảnh hưởng vượt xa mọi trận đấu trước đó ở Pháp.

Trần Trọng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›