(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một trong những điều đang khiến dư luận băn khoăn nếu ca cấy ghép đầu người được thực hiện thành công.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc ghép đầu để trao cơ hội sống như những người bình thường cho những ai kém may mắn thì nhiều chuyên gia lại phản đối, bởi rất nhiều lý do:
Thứ nhất, nếu việc cấy ghép đầu người thành công, việc sinh sản, duy trì nòi giống sẽ diễn ra như thế nào? Trên lý thuyết, hệ sinh dục của phần cơ thể người đã chết tiếp tục hoạt động và con cái sẽ mang gen di truyền của người đã chết chứ không phải của chiếc đầu người đang sống.
Sự việc sẽ là: “Tôi (đang sống) sinh ra con của anh (đã chết từ lâu!)ˮ.
Thứ hai, nếu một tỉ phú già nào đó bỗng dưng một ngày nào đó đột ngột chán chê cơ thể của mình và đòi thay mới bằng một cơ thể cường tráng khác thì sao? Khi đó, việc cấy ghép đầu người như thế này sẽ mang ý nghĩa thương mại. Thực tế, rất nhiều người nghèo khỏe mạnh sẵn sàng hi sinh cuộc sống của mình để đổi lấy một khoản tiền kếch xù cho những người thân xung quanh. Trong trường hợp này, pháp luật liệu có cấm? Và liệu rằng, một ngành công nghiệp chuyên bán cơ thể có được hình thành?
Có một điều khiến không ít người lo lắng nữa, đó là: nếu cơ thể không chấp nhận não hoặc toàn bộ phần đầu của người lạ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Hơn nữa, dù thành công thì thực tế là các phần ghép cơ thể chỉ có một vòng đời giới hạn và chúng ta không thể biết được khi nào thì nó kết thúc. Thông thường, nếu chỉ ghép tay, chân…, chúng ta hoàn toàn có thể thu hồi hại, nhưng rõ ràng việc thu hồi cái đầu là không thể.
Không chỉ vậy, vấn đề tâm lý cũng rất đáng được lưu tâm. Bởi vì, đối với đại bộ phận công chúng, chỉ cần nghe hai từ “ghép đầu” thôi là họ đã ớn lạnh xương sống và rởn tóc gáy rồi. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, đó chẳng khác gì một quái vật. Nếu như vậy, cuộc sống của người ghép đầu có thực sự được giống như người bình thường?
Vi Anh
Tổng hợp
Tags