(Thethaovanhoa.vn) - Bài hát Cây gia đình - tác phẩm của cặp đôi tác giả: nhạc sĩ Quỳnh Hợp, nhà thơ Nguyễn Thị Mai được “trồng” ở trang 44 sách Âm nhạc 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam 2020).
Lời bài hát dung dị: “Hoa thơm là mẹ/ Quả ngọt là con/ Lá cành là bố/ Đan che bóng tròn/ Ông bà là gốc/ Rễ ôm đất lành/ Rễ bền gốc vững/ Cây đời thêm xanh”.
Một chọn lựa thành công của nhóm biên soạn
Trang sách giáo khoa này là một chọn lựa thành công của nhóm biên soạn. 32 chữ cùng 33 nốt nhạc đã xây nên một hình tượng nghệ thuật xinh xắn nhưng đầy đặn, sâu sắc mà dễ thể hiện. Bài hát có tầng nghĩa nổi với hình bóng thiên nhiên hoa thơm, quả ngọt, lá cành… hiện ra thật gần gũi. Chính hoa, lá, cành và gốc cây nhìn thấy ấy, theo đà vần “con - tròn”, “lành - xanh” dẫn lối, để học trò lớp 1 nhìn ra cả bộ rễ khiêm nhường ẩn dưới “đất lành” kia.
Hình ảnh cái cây ngoài đất trời mà thơ - nhạc vừa vẽ ra chính là (như là) “cây gia đình” trong nhà mỗi học sinh. Bằng ví von, so sánh mang tính ẩn dụ, các tác giả đã tỉnh lược theo hướng tối giản để một dung lượng câu chữ nhỏ nhất, chuyển tải một thông điệp hàm súc nhất! Và thông điệp này còn được nhắc lại bằng trò chơi sắm vai mang tính diễn xướng ở một tiết học sau.
So với nguyên bản bài thơ, thì lời hát có thay đổi. “Nên đời cây xanh” đổi thành “Cây đời thêm xanh”. Theo người viết bài báo này, đây là một thay đổi tích cực. Nếu để như nguyên bản, “đời cây” vẫn chỉ là đơn vị cây một nhà, nhưng đảo ngữ “cây đời” thì cây nhà đã nối nhau, đã liên kết “cây gia đình” thành vườn cây, rừng cây xã hội. Nhờ cái kết mở này, tứ thơ, tứ nhạc lớn hơn!
Cho tới học kỳ II của năm học 2020 - 2021 (tức sau tết Tân Sửu), theo chương trình, học sinh mới lần đầu học hát bài này. Nhưng ngoài xã hội thì bài hát Cây gia đình đã khá phổ biến. Từ một vài năm nay, trên mạng xã hội đã có thể nghe (audio) cặp song ca Ôn Bích Hằng - Ôn Bích Hân hát hoặc có thể, xem MV ca sĩ nhí Bào Ngư vừa hát vừa diễn; có thể karaoke, có thể học hát theo giáo án điện tử… Nói vậy để thấy, ra đời thời 4.0, bài Cây gia đình đã kịp có thử thách ngoài đời trước khi vào sách, và nếu ra Tết, học sinh có phải học tại nhà vì Covid-19 thì bài học này cũng đã sẵn sàng!
Nhà thơ nghiền ngẫm “cây gia đình” từ tấm bé
Tác giả phần lời bài hát Cây gia đình - nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã từng trải, đã nghiền ngẫm từ tấm bé về cái cây mà mình sẽ vẽ bằng bút văn cho bạn đọc thiếu nhi. Bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, “cây gia đình” của bé Nguyễn Thị Mai không được xanh tươi như cây nhà người ta. Bé Mai từng phải thức khuya, dậy sớm phụ mẹ xay bột, tráng bánh làm hàng chợ, từng phải lên rừng chặt củi thuê, chặt cây thanh hao tết chổi, từng phải vác nứa, đóng gạch, nấu đồ nhựa phế thải đổ quai guốc, đẩy xe ba gác qua cầu Long Biên…
- Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 33): Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ và con cò đồng dao
- Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 31): Từ 'nhịp hải hà' đến 'Cô giáo lớp em'
- Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 30): Vũ Duy Chu - Nhà văn thân thiết của các em
Nhìn lại thời gian khó, vất vả ấy, bà từng khóc trong thơ mình: “Con đường có tuổi tôi đau/ Là khi cha mẹ chia nhau tháng ngày/ Bờ vai run bím tóc gầy/ Mắt tôi nhòe ướt hàng cây cuối chiều (Bài thơ Con đường). Vừa kiếm sống như thế vừa học, năm 26 tuổi Nguyễn Thị Mai đã có bằng thạc sĩ văn học, có nghề dạy học. Bà vừa đứng lớp vừa sáng tác văn chương và đoạt giải Nhất, cuộc thi viết cho trẻ em do Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Chăm sóc thiếu niên nhi đồng Việt Nam tổ chức năm 1992 - 1993, tạo được uy tín và niềm tin trong văn giới.
Chùm thơ được giải, cũng có đề tài gia đình, cũng viết về những “cây gia đình” thiếu tươi xanh! Bài Nhà không có bố: “Nhà không có bố buồn sao/ Cái đinh cũng thiếu, con dao thì cùn/ Bơm xe chẳng hiểu cái jun/ Rát tay bật lửa, đá cùn, xăng khô”.
Viết về gia đình, thơ Nguyễn Thị Mai giàu chi tiết sống như thế. Nhưng không chỉ bằng vốn sống, viết về gia đình, Nguyễn Thị Mai biết dùng những kỹ thuật văn chương đã thành bài bản. Bài Giờ văn của bà rất cảm động:
“Có một giờ văn như thế/ Lớp em im phắc lắng nghe/ Bài “Mẹ vắng nhà ngày bão…”/ Cô giảng miệt mài, say mê// Ai cũng nghĩ đến mẹ mình/ Dịu hiền, đảm đang, tần tảo/ Ai cũng thương thương bố mình/ Vụng về chăm con ngày bão// Bỗng nhiên Thu Hằng bật khóc/ Thì ra mẹ bạn mất rồi/ Lớp em lòng như giông bão/ Buồn thương thổi suốt giờ chơi”.
Bài được khen: “Thơ viết cho các em khó nhất là biết tạo tình huống bất ngờ kích thích trí tò mò ham phát hiện cái mới mẻ trong cái bình thường nhưng lại thật tự nhiên không bố trí sắp đặt. Ở đây tứ thơ được triển khai như một hoạt cảnh nhỏ có lớp lang, có nhân vật. Chính sự vận động ngẫu nhiên dung dị của đời thường đã tạo cho cảm xúc thật hồn hậu bởi sự cảm thông chia sẻ có tính giáo dục cao” (Nguyễn Ngọc Phú - Hội Văn nghệ Hà Tĩnh).
Kiên trì đeo đuổi đề tài gia đình, Nguyễn Thị Mai còn đứng tên nhà báo Hạnh Hoa của chuyên san Hạnh phúc gia đình (báo Phụ nữ Việt Nam), để hơn chục năm liền, nói chuyện “cây gia đình” với người lớn tuổi, nói bằng cả nghìn bài báo.
Nhạc sĩ có nhiều ca khúc cho tuổi mới lớn
Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp rất thuận tay trong việc đưa tác phẩm âm nhạc của mình vào trường học. Bà có tập nhạc 50 bài Xí muội ơi (Hãng phim Trẻ và DIHAVINA đã tuyển chọn 12 ca khúc làm audio CD phát hành tháng 10/2005) viết cho học sinh tuổi mới lớn, để “giữa vòng quay chóng mặt của cuộc đời”, sống chậm lại, cùng mở sách ra hát với nhau những bài hát như: Những ngày đi học (thơ Lê Minh Quốc), Phượng hoàng đi học (thơ Phan Hoàng), Xí muội ơi! (thơ Lưu Trọng Phú), Hạ nhớ (thơ Nguyễn Hồng Oanh)…
Qua những bài hát “xí muội”, tuổi mới lớn làm quen với nhạc Quỳnh Hợp, tìm hát Quỳnh Hợp ở những ca khúc có tầm vóc lớn hơn lớp học, lớn hơn sân trường. Các em hát Tự hào quá Việt Nam ơi: “Cầu thủ như hiệp sĩ trên sân cỏ băng băng/ Bất ngờ, bất ngờ tim rung theo trái bóng/ Những tưởng vỡ ngực chẳng dám nhìn chỉ nghe/ Tự hào quá Việt Nam ơi… Triệu người gào thét, phút giây thánh thần”.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp kể: “Ngày 23/1/2018, như hàng triệu người dân Việt khác, tôi đã vô cùng phấn khích khi chứng kiến tinh thần thể thao kiên cường của các chàng trai đội tuyển U23, khi các “chiến binh” của chúng ta đánh bại U23 Qatar để giành vé vào chung kết U23 châu Á. Không thể kìm được sự xúc động, tự hào, sung sướng, tôi đã một mạch viết nên ca khúc này! Tên bài hát là câu của bình luận viên VTV đầy cảm xúc khi kết thúc trận đấu. Bài hát là những cảm xúc rất thực của tôi, một bản pop rạo rực, phấn khích tặng các tuyển thủ Việt Nam và hàng triệu khán giả đã cùng khóc cười…”.
Từng là một người lính thuộc Đoàn Văn công Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc, nhạc sĩ Quỳnh Hợp thường sáng tác (và trình diễn) theo tinh thần xung phong như thế. Vào năm 2017 khi tập Thơ trắng (NXB Văn học) của nhà thơ trẻ La Mai Thi Gia, một nữ giảng viên đại học, xuất bản rất chính danh, bị một vài cá nhân bắt bẻ là sex quá, sáo quá, sến quá, thì nhạc sĩ Quỳnh Hợp “phản pháo” ngay, bênh vực bạn văn đồng giới: “Mình mê say người đàn bà trong thơ của nàng: Một kiểu đàn bà đẹp (hoặc tự cho là mình đẹp), quyến rũ; lẳng lơ một cách kín đáo, rất tự tin, quyết liệt, dữ dội; không giả bộ thùy mị, chẳng làm bộ đoan trang”. Và nhấn mạnh bênh vực này bằng một sáng tác tức thì, mang âm hưởng dân gian, phổ nguyên văn, bài thơ Xanh in ngay đầu tập:
“Ta với suối nằm yên xem trăng biếc/ Xanh óng hồn ta bên cỏ hoa/ Nghe như tôm tép vùi đáy nước/ Một bóng trăng ngà bên suối xa// Ta với dế vùi thân trong cỏ rối/ Xem lũ trùng đêm ân ái say/ Nghe trong thớ thịt rền rang nhớ/ Một chốn hồng hoang trong gió mây”.
Trở lại với câu chuyện chủ động mang âm nhạc của mình tới các lớp học, các sân trường. Mới đây người viết bài nhìn thấy lời hát trong bài Tổ quốc nhìn từ biển (phổ thơ Nguyễn Việt Chiến, giải thưởng bộ Quốc phòng 2009 - 2014) của Quỳnh Hợp được viết bằng phấn trắng, trên bảng xanh, đặt giữa sân Trường Tiểu học Yên Tập (Cẩm Khê, Phú Thọ) để học sinh cả trường cùng học. Tôi biết nhiều trường dựng hợp xướng, hát múa theo ca khúc này:
“Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa…”
Có mẹ cha, có con, có “cây gia đình” trong hành khúc sục sôi kia! Cây giáo khoa của Quỳnh Hợp - Nguyễn Thị Mai đã bói quả trong mùa Xuân này!
(Còn tiếp)
Vài nét về Nguyễn Thị Mai và Quỳnh Hợp Nhà thơ Nguyễn Thị Mai hội viên Hội nhà văn VN, tác giả của 15 tập thơ, truyện ngắn, từng học Đại học Sư Phạm Hà Nội 1, từng dạy Cao đẳng Sư Phạm Hà Tây và Trường Cán bộ phụ nữ trung ương. Nhà thơ Nguyển Thị Mai đang sống và viết ở Hà Nội. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tác giả 4 tập sách nhạc và 72 album nhạc, tốt nghiệp Đại học sáng tác Nhạc viện TP.HCM, từng là ca sĩ - nhạc sĩ của Đoàn Văn công Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc, Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Không quân, từng là biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đang sống và viết ở TP.HCM. |
Thái Thị Khánh An
Tags