(Thethaovanhoa.vn) - Brazil mất Neymar, nhưng có lợi thế sân nhà. Đức có tập thể đồng đều. Argentina có Lionel Messi. Còn Hà Lan? Arjen Robben vẫn xuất sắc, nhưng sự khó lường của Louis van Gaal mới là vũ khí lợi hại nhất.
Van Gaal khó lường vì ông sẵn sàng bất chấp tất cả để giành chiến thắng. Bất chấp mong muốn của các vị Chủ tịch. Bất chấp thể diện của cầu thủ. Bất chấp cả đòi hỏi của người hâm mộ.
“Giỏi mà điên thì rất đáng sợ”
CĐV Hà Lan không ồn ào như những người đến từ Nam Mỹ. Họ nói chuyện nhẹ nhàng, lịch thiệp và dễ chịu. Nhưng vẫn nổi bật. Màu da cam luôn có sức hút đặc biệt. Rồi cả cái cách họ hóa trang. Họ đưa những câu chuyện cổ tích đến với Brazil qua những bộ trang phục, mái tóc được chuẩn bị rất công phu.
Anh Hendriks, 32 tuổi đến từ Amsterdam, cũng thích những câu chuyện cổ tích, nhưng lại chọn cách thể hiện tình yêu đơn giản và trực diện hơn. Đó là mái tóc theo kiểu Ruud Gullit. Trong khi thế hệ anh thần tượng Marco van Basten thì Hendriks lại chọn Gullit: “Năm Hà Lan vô địch EURO 1988, tôi chỉ mới 6 tuổi. Tôi thích kiểu tóc của anh ấy (Gullit), rất sáng tạo và mới lạ lúc bấy giờ. Tất nhiên anh ấy còn là cầu thủ xuất chúng”.
Hendriks bảo rằng người Hà Lan của anh luôn thích những điều mới mẻ: “Người ta cứ viết rằng nguyên nhân sâu xa là vì chúng tôi sống dưới mực nước biển, vì đất nước chúng tôi nhỏ bé, vì phải đương đầu với những khó khăn nên luôn nghĩ ra những điều mới. Không biết có đúng không, nhưng tôi luôn thích sự sáng tạo. Hãy cứ sáng tạo, hãy tạo ra sự khác biệt, dù xấu cũng được. Đời thế mới thú vị”.
Tôi gặp anh ở Sao Paulo, ngay trước trận Hà Lan - Chile ở lượt cuối cùng của bảng B. Lúc ấy, anh đã bảo rằng Louis van Gaal mới là ngôi sao lớn nhất của đội bóng, chứ không phải Robin van Persie hay Arjen Robben.
“Ông ấy luôn khó lường, vì ông ấy giỏi và có chút điên. Báo chí các nước khác có vẻ khó chịu trước cái sự điên của ông, nhưng tôi lại thấy bình thường. Những người sáng tạo nhất luôn là những người điên nhất, theo góc nhìn của người đương đại. Về sau, khi nhìn lại thì khác”, Hendriks tỏ ra rất tự hào về van Gaal. “Tất cả sẽ khốn khổ vì ông ấy. Dù là đối thủ hay đội nhà. Vì Louis van Gaal luôn bất chấp tất cả”.
Thiên tài luôn cô đơn
Như nhận định của Hendriks, tất cả khốn khổ vì van Gaal. Trận gặp Chile, van Gaal cất giữ vài trụ cột, đá theo kiểu cửa dưới. Nhưng có hai cơ hội thì ghi hai bàn. Trận gặp Mexico thì gần như đá tử thủ trong suốt hiệp 1, để tìm kiếm bàn thắng thì rút chân sút số 1 kiêm đội trưởng Robin van Persie ra khỏi sân. Trận thắng Costa Rica thì quyết định thay thủ môn, đưa Tim Krul vào bắt penalty.
Van Gaal là bậc thầy của lối chơi kiểm soát bóng. Nhưng ông muốn phòng ngự với số đông, thì đá như thế, không được nói nhiều.
Robin van Persie có khó chịu khi bị thay ra thì cũng mặc kệ. Đó là mệnh lệnh của HLV, anh không được cãi.
Cillessen có phần sốc khi bị thay ra ngay trước loạt đá luân lưu. Như bao thủ môn khác, anh tin rằng luân lưu là cơ hội tốt nhất để thủ môn thể hiện tài năng. Anh gần như không được thông báo trước. Thế mà van Gaal đột ngột thay anh ra. Có thể van Gaal đã dự tính từ trước. Cũng có thể khi đó ông mới sáng tạo ra quyết định thay thủ môn. Có thể ông thừa biết Cillessen sẽ sốc. Nhưng kệ tất. Ông thấy Tim Krul thích hợp bắt luân lưu hơn. Thế thôi.
“Kết quả biện minh cho hành động. Ông ta là thế. Anh có thấy ông ấy giống Jose Mourinho không? Thầy của Mourinho mà. Mourinho ứng xử khéo hơn một chút, nhất là đối với các cầu thủ, nhưng về bản chất thì giống nhau. Họ luôn bất chấp tất cả”, Hendriks nhận xét.
Khi đội bóng chiến thắng, ông là người hùng, tất cả sẵn sàng nghe theo lời ông. Nhưng đội bóng thất bại là van Gaal luôn phải ra đi. Khi ấy, chẳng ai đứng ra bảo vệ ông.
“Thiên tài luôn cô đơn”, Hendriks kết luận.
Kung-fu có tái hiện trước Argentina? Báo chí Argentina đã bày tỏ sự quan ngại rằng Hà Lan có thể đá rắn, đá bạo lực để triệt hạ Lionel Messi. Sự lo ngại đó là dễ hiểu khi Hà Lan từng đá tương tự trước Tây Ban Nha ở trận chung kết World Cup 2010, mà đỉnh điểm là cú kung-fu của Nigel De Jong nhắm vào ngực của Xabi Alonso. Lo ngại càng lớn hơn sau khi họ chứng kiến hàng loạt siêu sao phải rời bỏ World Cup vì chấn thương. Sự thực, chủ nhà Brazil đã đá rất rắn để giành chiến thắng, nhưng Hà Lan thì không. Hà Lan có trận đá tấn công vũ bão, có trận đá phòng ngự với số đông, nhưng không hề bạo lực. Chiến thuật chứ không phải những pha vào bóng là cách để họ triệt hạ, phá lối chơi của đối phương. Họ không cần phải vào bóng cao chân, không cần phạm lỗi từ phía sau. Sự di chuyển cùng cự ly đội hình hợp lý là vũ khí để ngăn chặn những đòn tấn công của đối phương, như hai trận thắng trước Chile và Mexico. Nhưng với HLV nổi tiếng khó lường và sẵn sàng bất chấp tất cả như Louis van Gaal, sự quan ngại của người Argentina là không hề thừa. |
ĐỨC LỘC (Từ Brasilia)
Thể thao & Văn hóa
Tags