CEO mới của Boeing đối mặt với loạt thách thức liên quan đến thương vụ với Embraer

Thứ Ba, 24/12/2019 22:29 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi lên nhậm chức, Tân Giám đốc điều hành (CEO) của Boeing David Calhoun đã phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cuộc khủng hoảng liên quan tới dòng máy bay chủ lực 737 MAX và cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu (EC) về thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Embraer (Brazil).

Boeing tạm dừng sản xuất máy bay 737 MAX lần đầu tiên trong hai thập niên

Boeing tạm dừng sản xuất máy bay 737 MAX lần đầu tiên trong hai thập niên

Hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ ngày 16/12 thông báo sẽ tạm dừng sản xuất máy bay 737 MAX từ tháng 1/2020, trong bối cảnh các nhà chức trách về an toàn vẫn chưa cấp phép bay trở lại đối với phiên bản đang bị cấm bay trên toàn cầu này.

Máy bay 737 MAX của Boeing đã bị cấm bay trên toàn cầu từ tháng 3/2019 sau hai vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng của hãng hàng không Lion Air vào tháng 10/2018 và Ethiopian Airlines vào tháng 3/2019 khiến 346 người thiệt mạng. Ngày 16/12 vừa qua, Boeing tuyên bố sẽ tạm dừng sản xuất dòng máy bay Boeing 737 MAX từ tháng 1/2020 trong bối cảnh lệnh cấm bay đối với phiên bản MAX bán chạy nhất của nhà chế tạo máy bay này sẽ kéo dài sang năm 2020.

Chú thích ảnh
Boeing 737 MAX

Không chỉ gặp khó khăn với dòng máy bay 737 MAX, Boeing còn đang bị EC điều tra về vi phạm luật chống độc quyền trong kế hoạch liên doanh với hãng chế tạo máy bay lớn thứ 3 thế giới là tập đoàn Embraer. Theo các nguồn thạo tin, EC đã yêu cầu 1,5 triệu trang thông tin và dữ liệu trong hơn 20 năm qua về hơn 1.000 chiến dịch bán hàng của Boeing. Những yêu cầu này cho thấy mối quan ngại của EC về một thỏa thuận có thể giảm số lượng các doanh nghiệp sản xuất máy bay trên thị trường toàn cầu.

Theo kế hoạch ban đầu, thỏa thuận Boeing-Embraer sẽ được ký kết vào năm 2019, song đã bị trì hoãn sau khi EC thông báo mở cuộc điều tra sâu rộng đối với dự án này. EC quan ngại rằng "giao dịch có thể loại Embraer khỏi vị trí nhà cạnh tranh toàn cầu lớn thứ 3 thế giới trong nền công nghiệp chế tạo máy bay thương mại". Luật sư của hai công ty đang đợi xem liệu EC có ra tuyên bố phản đối kế hoạch hay không, để từ đó hai công ty có thể đề xuất một nhượng bộ, nhằm đổi lấy việc thông qua dự án. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc đều đã thông qua thỏa thuận, trong khi Brazil được cho là sẽ sớm ủng hộ kế hoạch.

Phía Boeing đã nhất trí mua 80% mảng kinh doanh máy bay thương mại của Embraer, vốn đang cạnh tranh với hãng Airbus của châu Âu về dòng máy bay dưới 150 ghế. Bất cứ sự trì hoãn nào đối với thương vụ trị giá lên tới 4,2 tỷ USD này cũng sẽ là bước thụt lùi nữa của Boeing. Airbus và Boeing đang chiếm phần lớn thị phần của dòng máy bay trên 150 ghế. Các thỏa thuận riêng rẽ với Bombardier và Embraer sẽ giúp Airbus và Boeing mở rộng thị phần kinh doanh các loại máy bay thương mại nhỏ.

Trước đó, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã bổ nhiệm ông David Calhoun làm CEO thay ông Dennis Muilenburg (Đen-nít Mui-len-bớc), người vừa mới từ chức. Theo Boeing, việc thay thế vị trí này là cần thiết nhằm khôi phục lòng tin và điều chỉnh lại quan hệ với các nhà quản lý, các khách hàng cũng như toàn bộ các cổ đông của hãng. Hãng cam kết sẽ minh bạch hoàn toàn trong mọi hoạt động, trong đó có liên lạc hiệu quả với Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), các cơ quan quản lý toàn cầu khác cũng như các khách hàng của hãng. Sau khi bổ nhiệm CEO mới, giá cổ phiếu của Boeing đã tăng 2,7%./.

    Đặng Ánh (TTXVN)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›