(Thethaovanhoa.vn) - Tình yêu thương có sẵn trong mỗi người cha, người mẹ, nhưng cách để mang đến “dinh dưỡng tình yêu cho con” lại là điều phải học hỏi. Trong buổi ra mắt cuốn sách "Thuần hóa cha mẹ hổ", những chia sẻ của 2 người mẹ khiến nhiều bậc cha mẹ cảm động.
Tọa đàm “Dinh dưỡng tình yêu cho con” và buổi giới thiệu cuốn sách Thuần hóa cha mẹ hổ diễn ra tại Heritage Space, Hà Nội chiều 18/10. Đây là cuốn sách giáo dục của nhà báo Anh Tanith Carey, người viết về các vấn đề xã hội và nuôi dạy trẻ cho The Guardian, The Independent và Daily Mail.
Bản dịch cuốn sách do 1980 Books và NXB Dân trí ấn hành.
Từ “bà mẹ hổ” khiến thế giới xôn xao
Khách mời của chương trình là Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh và nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương. Cả hai được biết đến với những chương trình giáo dục dành cho trẻ em và cha mẹ như Đọc sách cùng con và Bé đảm. Khán giả của buổi tọa đàm đều là các bậc cha mẹ quan tâm đến nuôi dạy con cái.
Thông điệp của cuốn sách Thuần hóa cha mẹ hổ là phương pháp giáo dục bằng tình yêu thương chứ không phải bằng kỷ luật hà khắc, phản biện phương pháp giáo dục nổi tiếng thế giới của “bà mẹ hổ” Amy Chua (người Mỹ gốc Trung Quốc), người đã giáo dục hai đứa con gái thành thần đồng piano và violin.
TS Nguyễn Thụy Anh (trái) và nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương trong buổi tọa đàm
Khái niệm “bà mẹ hổ” nghĩa là nghiêm khắc, đưa ra những nguyên tắc bất di bất dịch cho con và sẵn sàng trừng phạt nếu con vi phạm hoặc không đạt kết quả đề ra. Phương pháp của Amy Chua cũng mang lại thành công: hai đứa con đạt đến những đỉnh cao nhất định trong âm nhạc và khẳng định được giá trị của bản thân, nhưng cũng vấp phải sự phản đối dữ dội ở nước Mỹ và thế giới.
Phản đối phương pháp này, nhà báo Tanith Carey đã phân tích kỹ càng những điểm yếu của “cha mẹ hổ” và hậu quả mà phương pháp giáo dục “thành công bằng mọi giá” này mang lại: con cái dễ ức chế, bố mẹ dễ ly dị và những người bạn dễ sứt mẻ tình cảm vì cho con cái cạnh tranh nhau.
“Mẹ có yêu con không?”
Trong tọa đàm, 2 diễn giả nói rằng phương pháp của Amy Chua không sai vì bà mẹ đã lựa chọn điều bà nghĩ là tốt cho con mình. Nhưng, họ nghiêng về cách dạy con bằng tình yêu thương mà nhà báo Tanith Carey đưa ra. Cả Nguyễn Thụy Anh và Nguyễn Quỳnh Hương đều là những người mẹ đầy tình yêu thương.
TS Nguyễn Thụy Anh nói: “Chúng ta là cha mẹ chứ không phải nhà giáo dục không thôi. Nhà giáo dục sẽ có các phương pháp, phân tích thiệt hơn và đánh giá hiệu quả. Nhưng một người cha, người mẹ thì cao hơn thế. Những đứa con, kể cả 40 tuổi họ vẫn là trẻ con đối với cha mẹ của họ, luôn rất cần được biết rằng con cái được yêu như thế nào”.
Bìa cuốn sách “Thuần hóa cha mẹ hổ”
“Trẻ con luôn rất thích hỏi: Mẹ có yêu con không? Nhất là khi bị cha mẹ phạt. Sau này, ở tuổi niên thiếu, mỗi lần như vậy, chúng cũng rất thích hỏi câu hỏi đó nhưng có một rào cản nhất định khiến chúng không còn hỏi nữa” - nhà giáo dục nói về tầm quan trọng của tình yêu thương.
Nhà báo Quỳnh Hương kể những câu chuyện cụ thể và xúc động về cách làm mẹ của cô, khiến nhiều khán giả và TS Nguyễn Thụy Anh cũng rơm rớm nước mắt. “Một việc bố mẹ luôn phải đối diện là khi con cái bắt đầu đi học.
Đứa trẻ không bao giờ có quyền chọn, hoàn toàn do bố mẹ quyết định. Bố mẹ chọn do mong muốn ích kỷ của mình. Họ muốn thành đạt, giàu có, nói tiếng Anh như gió… nhưng không làm được vậy là dồn hết gánh nặng đó vào con. Đó là điều bất công với con”.
Trong cuộc khảo sát nhỏ của TS Nguyễn Thụy Anh, câu hỏi phổ biến nhất từ các bậc phụ huynh trong tọa đàm là “Làm thế nào để kiểm soát được cơn giận của mình và con cái?”.
Cuốn sách Thuần hóa cha mẹ hổ đưa ra câu trả lời dưới góc nhìn chuyên môn, về sự luân chuyển nỗi ức chế giữa cha mẹ và con cái. Để đủ khả năng chu cấp những điều kiện đắt đỏ cho con cái, cha mẹ lao vào thử thách kiềm tiền và trở nên eo hẹp về thời gian. Đó là vấn đề rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại, nhưng chỉ là một trong những lý do khiến chúng ta nổi giận.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa
Tags