Bệnh nhân tưởng như suốt đời phải sống chung với cơn đau đầu, thế nhưng nhờ sự phát triển của y học, bà đã được sống một cuộc đời khác.
Nữ bệnh nhân 72 tuổi đã phải sống chung với chứng đau nửa đầu phải nhiều năm. Bệnh nhân có chia sẻ cơn đau lan ra nửa vùng trán phải, lan hốc mắt, đau dữ dội. Bệnh nhân phải chịu cơn đau như muốn "bổ đầu ra" trung bình từ 3-5 lần/ tháng.
Theo bệnh nhân, cơn đau đầu kéo dài dai dẳng đã 5 năm nay. Ngoài sự hành hạ của những cơn đau, bệnh nhân còn buồn nôn, mất ngủ, lo âu.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết bệnh nhân đã điều trị tại nhiều bệnh viện chuyên khoa về đau đầu, đã chụp phim CT và MRI sọ não loại trừ những nguyên nhân ác tính gây đau đầu. Người bệnh đã uống nhiều loại thuốc giảm đau, giảm đau thần kinh, an thần,... nhưng cơn đau không cải thiện nhiều.
Theo bác sĩ Minh Anh, để cải thiện tình trạng giảm đau, bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) liệu trình 10 ngày và tái khám sau 1 tháng. Liệu trình TMS đầu tiên được thực hiện cách đây 3 tháng và hiện tại cơn đau của người bệnh đã giảm tới hơn 70%. Bà cho biết bà không còn những cơn đau dữ dội, ăn ngủ tốt, hài lòng về phương pháp điều trị này.
Kích thích từ trường xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation - TMS) là kỹ thuật sử dụng tác dụng của điện từ xuyên qua xương sọ, tác động đến các tế bào thần kinh ở vỏ não với mục đích tăng cường hoạt động điện sinh lý của tế bào thần kinh, tái tạo đường liên hệ giữa các vùng chức năng của vỏ não. Đây là kích thích không xâm lấn, không bị trở ngại bởi cấu trúc mỡ hay xương và không gây khó chịu, được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều trị trong nhiều bệnh lý.
Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Viết Thắng, Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), cho hay kích thích từ trường xuyên sọ điều trị trong nhiều bệnh thần kinh mạn tính như bệnh trầm cảm, đau đầu mạn tính, di chứng sau đột quỵ, di chứng sau tổn thương tủy sống, rối loạn vận động..
"Kỹ thuật này có ưu điểm là kỹ thuật không xâm lấn, hệ thống coil sẽ tạo ra từ trường tác động vào vỏ não xuyên sọ, kích thích hay ức chế những vùng vỏ não gây bệnh, giúp kiểm soát những triệu chứng bệnh. TMS ít ghi nhận tác dụng phụ như những phương pháp điều trị thường quy, người bệnh dung nạp tốt với phương pháp điều trị này", bác sĩ Thắng nói.
Kích thích từ trường xuyên sọ được ứng dụng trong các điều trị như:
- Điều trị các rối loạn tâm thần: trầm cảm, lo âu, rối loạn liên quan stress...
- Điều trị các rối loạn thần kinh trung ương, sau đột quỵ não, đa xơ cứng, rối loạn vận động, động kinh,…
- Điều trị các bệnh về mạch máu.
- Điều trị các tổn thương xương, cột sống, cơ, khớp và các bệnh lý phức tạp.
- Xác định vị trí chức năng của các trung tâm não có nguy cơ bị tổn thương.
Theo bác sĩ Lê Viết Thắng, kích thích từ trường xuyên sọ là một phương pháp điều trị ít tốn kém, không đau và an toàn với một thiết bị chuyên dụng cung cấp từ trường trực tiếp qua da đầu để điều hòa chức năng não bộ.
TMS được giới thiệu trên thế giới vào năm 1984–1985. Tuy nhiên, sử dụng TMS như một phương pháp điều trị được báo cáo đầu tiên ở bệnh nhân trầm cảm kháng thuốc.
Tại Việt Nam, TMS đã được Bộ Y Tế cho phép ứng dụng trên thực hành lâm sàng trong một số bệnh đau mạn tính và một số bệnh tâm thần kinh. Các cơ sở chăm sóc y tế đã bắt đầu ứng dụng hiệu quả của phương pháp này.
Tags