(Thethaovanhoa.vn) - Khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay không phải là lúc người dẫn chương trình Steve Harvey đọc nhầm tên người chiến thắng trên sóng truyền hình trực tiếp, mà là đến tận năm 2015, vẫn còn tồn tại một cuộc thi sắc đẹp, nơi những cô gái trẻ mặc bikini sải bước trước ban giám khảo để cố gắng chứng minh mình đẹp nhất và được đội chiếc vương miện hoa hậu. Chính điều này mới thực sự đáng xấu hổ. Đó là quan điểm của cây bút Jessica Valenti của tờ The Guardian sau khi Miss Universe kết thúc.
- Hậu Hoa hậu Hoàn vũ 2015: Được và mất đằng sau các cuộc thi hoa hậu
- Hoa hậu Hoàn vũ 2015 Pia Alonzo Wurtzbach: Một tấm gương đẹp về sự nhẫn nại
- Hoa hậu Hoàn vũ dính tin đồn dàn xếp kết quả
Jessica Valenti là nhà bình luận chuyên nghiệp của trang The Guardian tại Mỹ. Bà là tác giả của 4 cuốn sách về nữ quyền, chính trị và văn hoá, đồng thời là người sáng lập ra trang một số trang web về giới tính. |
Những cuộc thi sắc đẹp kiểu như vậy chính là biểu hiện chính xác nhất cho điều mà chúng ta không muốn phụ nữ phải chịu đựng: Coi phụ nữ là những bình hoa di động và đánh giá họ qua vẻ bề ngoài. Các cuộc thi này không nên tiếp tục được tồn tại trong tương lai.
Quan niệm cho rằng những cuộc thi sắc đẹp là điều gì đó “thiêng liêng” hơn việc chỉ là cơ hội để phụ nữ ganh ghét, đố kỵ nhau đã bị vạch trần. Dù bao lâu nay nhiều người vẫn cho rằng các cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Mỹ là nơi giúp những cô gái trẻ tỏa sáng “miễn phí”, trên thực tế thì ban tổ chức chỉ chi trả một phần tiền họ tuyên bố mà thôi. Còn những chi phí khác, khá đáng kể, như tiền mua sắm váy áo, làm tóc, trang điểm, phí đăng ký… đều do các thí sinh tự mình chi trả.
Ngoài màn trình diễn áo tắm “ngớ ngẩn”, bản thân những cuộc thi nhan sắc cũng có những chính sách và qui định thể hiện quan điểm của họ, rằng giá trị của một thí sinh phụ thuộc nhiều vào vẻ ngoài gợi cảm và khả năng tỏ ra mình sống chuẩn nhất theo một khuôn mẫu hạn hẹp về nữ tính. Đơn cử như cuộc thi Hoa hậu Mỹ năm 1990, ban tổ chức đã ra quy định về sự “thuần khiết”, trong đó cấm các thí sinh từng li hôn hoặc nạo phá thai tham dự. Tới nay, cuộc thi vẫn bám chặt vào những quy định gắn với “phạm trù đạo đức” kiểu này.
Năm 2002, Hoa hậu Bắc Carolina Rebekah Revels buộc phải trả lại vương miện sau khi loạt ảnh “nóng” chụp cô để ngực trần do bạn trai bấm máy bị lộ ra. Sau khi đăng quang Hoa hậu Mỹ năm 2006, Tara Conner, đến từ Kentucky, cũng bị kéo vào một vụ bê bối vì thường xuyên đến hộp đêm uống rượu và ăn chơi phóng túng.
Khi ấy, ông trùm Hoa hậu Mỹ Donald Trump, 1 trong những ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay, tuyên bố trước công luận rằng đã “tha thứ” cho Conner rồi gửi cô đến trung tâm cai nghiện. “Tôi luôn tin rằng mọi người đều có cơ hội thứ 2” - ông cho biết vào thời điểm đó. Nhưng sau này, cũng chính Trump lại là người “cho phép” người đẹp này nhận lời chụp hình khêu gợi trên tạp chí Playboy.
Dù đã có nhiều bước đột phá về ủng hộ nữ quyền được thực hiện trong nhiều năm qua, những điều còn tồn tại vẫn nhắc chúng ta rằng trước mắt vẫn là một chặng đường dài và phụ nữ vẫn đang phải gồng mình đấu tranh với nhiều vấn đề lớn cùng lúc, như bất bình đẳng thu nhập hay bạo lực tình dục, vốn là vấn nạn nổi cộm trong nhiều thập kỷ qua.
Chỉ có một điều lạ là ở thời điểm nhân loại có thể sẽ sớm thấy ngày càng nhiều những nữ lãnh đạo ở các quốc gia, và khi nữ quyền đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thì vẫn thật khó để bãi bỏ những điều đi ngược lại xu hướng này, như các cuộc thi hoa hậu chẳng hạn.
P.V (The Guardian)
Tags