Champions League thay đổi thể thức thi đấu từ mùa tới: Đội bóng nào đang chịu bất công?

Chủ nhật, 24/09/2023 16:02 GMT+7

Google News

Đây sẽ là lần cuối cùng Champions League thi đấu theo thể thức hiện tại và kể từ mùa tiếp theo, giải đấu cao nhất cấp câu lạc bộ sẽ thực hiện cuộc cách tân với hi vọng sửa chữa những vấn đề hiện tại.

Nhưng rất có thể cuộc cách mạng này không giải quyết được hết những bất công mà UEFA tính đến bởi tính phổ biến của bóng đá không hề thay đổi dù bằng bất cứ hình thức nào hiện tại.  

Sửa chữa điều gì?

Bởi vì sự bất bình đẳng hiện tại không phải là một đội bóng này quá mạnh hoặc đội khác thì quá yếu mà là vấn đề bất công về cấu trúc tài chính, nhưng ngay cả điều này cũng là sự phổ biến của một thế giới phẳng. Việc các nhà đầu tư đổ tiền vào một câu lạc bộ chỉ là một hoạt động kinh tế bình thường bởi đội bóng đó có giá trị về thương mại, kinh doanh và thể thao và cách duy nhất để hạn chế sự bất công về tài chính là kiểm soát nó bằng Luật công bằng tài chính, kiểm soát mức lương và phân chia lợi nhuận.

Việc thay đổi thể thức đấu vòng bảng không giải quyết những cách biệt về đẳng cấp, ngay cả khi bị hạn chế về chuyển nhượng, mức lương trần thì Barcelona cũng ở trình độ vượt trội so với Antwerp, hoặc Man City, bằng những cách kinh điển nhất của trò chơi này có thể lội ngược dòng trước Sao đỏ Belgrade. Bản chất rõ ràng của vòng bảng chính là luôn có khả năng tạo ra những bất ngờ với các kết thúc tuyệt vời. Người ta còn nhớ rằng, MU đã bị loại ngay từ vòng bảng Champions League mùa 2021 dù đã từng đứng đầu bảng đấu sau những chiến thắng vang dội trước PSG và Leipzig.

Gốc rễ là vì sự đầu tư từ những đội bóng giàu có như Man City, PSG, Chelsea, và hàng loạt những đội bóng tỉ phú khác ở nước Anh càng tạo ra hố sâu ngăn cách về đẳng cấp hơn so với phần còn lại của cựu lục địa, khiến cho nhiều người cảm giác Champions League không còn sự căng thẳng như trước đây khi phần lớn những đội bóng tinh hoa đều vượt qua vòng bảng.

Champions League thay đổi thể thức thi đấu từ mùa tới: Đội bóng nào đang chịu bất công? - Ảnh 1.

Các đội bóng lớn tạo ra sự cách biệt về thành tích và tài chính nhưng họ không phải là nguyên nhân chính

Khác biệt không chỉ vì tài chính

Tất nhiên, đây chính là lý do mà phần lớn cho rằng, những gì thực sự còn lại của bóng đá chính là một bảng đấu khắc nghiệt, được gọi theo cái tên chết chóc: "Bảng đấu tử thần". Có rất nhiều những kỉ niệm như thế khi Barcelona, Bayern Munich và lại là MU đứng chung trong một nhóm vào năm 1999.

UEFA hoặc những nhà đấu tranh vì công lý cho bóng đá thấy rằng, đã không có đội bóng nào có khả năng tạo ra bất ngờ như Monaco hay Porto của những năm 2004 trong hai thập kỉ trở lại đây, và Champions League được thống trị bởi những cái tên quen thuộc nói trên.

Nhưng thực tế, ngay cả trước khi những ông chủ giàu có từ khắp nơi trên thế giới đổ tiền vào môn thể thao này thì bóng đá vẫn là cuộc chơi của những đế chế bóng đá hùng mạnh là Bayern Munich, Ajax, Juventus, Barcelona, Real Madrid, AC Milan hay Inter Milan.

Và người ta sẽ phải trở về tận những năm 70 hay 80 của thế kỉ trước để tìm thấy một đội bóng nào khác từ phần còn lại của cựu lục địa lên ngôi ở đấu trường này như Sao đỏ Beograde hay Steaua Bucharest.

Sự phân hóa ngày càng lớn không chỉ vì sự đầu tư đến mức điên cuồng của những tỉ phú, mà các nền bóng đá đã vận hành theo những cách khác nhau, điều đó tạo ra những đại diện tương ứng. Real Madrid hay Man City không có lỗi vì giàu có, nhưng họ đang phải chịu phán xét và ngầm buộc tội là tạo ra sự bất bình đẳng. 

Từ mùa giải 2024-2025, Champions League sẽ có 36 đội tham dự, thay vì 32 như hiện tại. Các đội sẽ chơi theo "thể thức Thụy Sỹ", họ phải đá 10 trận ở vòng ngoài, 5 trận sân nhà và 5 trận sân khách, qua đó tìm vé vào vòng 1/8. Các đội tham dự sẽ được xếp hạng hạt giống từ 1 đến 36. Sau khi đá xong vòng ngoài, 8 đội có điểm số cao nhất sẽ vào thẳng vòng 1/8. 16 đội xếp sau sẽ chia cặp đá play-off và 12 đội còn lại phải dừng cuộc chơi.

 Trần Dũng

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›