Trong thập kỉ trước đại dịch Covid-19, bóng đá ở châu Âu đã gia tăng liên tục về doanh thu. Nhưng, cuộc khủng hoảng đã gây căng thẳng cho quản trị bóng đá, về việc chia sẻ tài chính được tạo ra trong một khu vực không còn phát triển như thế nào.
Những hậu quả mà Covid-19 gây ra đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng đáng kể cho bóng đá thế giới, khiến các trận đấu bị hoãn hoặc hủy bỏ và các sự kiện lớn như EURO 2020 hay Copa America bị hoãn. Trong hơn 1 năm, doanh thu của các CLB châu Âu đã bị ảnh hưởng đáng kể do sự vắng mặt của người hâm mộ ở các sân vận động và lượng khán giả truyền hình ít đi.
Tác động về tài chính
Tại Pháp, việc rút lui của Mediapro, công ty nắm bản quyền phát sóng Ligue 1 và Ligue 2, đã lấy đi một phần doanh thu đáng kể của các CLB. Thật khó tin là 5 giải đấu hàng đầu châu Âu đã phải đối mặt với việc chậm thanh toán bản quyền và cấp tiền hoàn lại cho các đài truyền hình, trong đó Premier League của Anh gần đây đã đồng ý đáo hạn hợp đồng truyền hình hiện tại sau khi chứng kiến doanh thu giảm - lần đầu tiên - dẫn đến thâm hụt khoản tiền trước thuế lớn nhất trong lịch sử của giải. Để đối phó với điều này, các CLB châu Âu chấp nhận gánh một khoản nợ khổng lồ và khả năng trả món nợ này đến giờ vẫn chưa chắc chắn. Cơ bản hơn, giá trị của bóng đá và sức hấp dẫn của nó hiện đang là chủ đề tranh luận trong bối cảnh các sân vận động vắng bóng người trong suốt 15 tháng.
Trong suốt thập kỉ trước cuộc khủng hoảng, bóng đá châu Âu có mức tăng doanh thu rất đáng kể (doanh thu trung bình hằng năm tăng 8,2% trong 20 năm qua). Trong 5 giải lớn của châu Âu, giá trị bản quyền phát sóng tăng lên theo mỗi lần gọi thầu; hiện đây là nguồn thu lớn nhất trong doanh thu của các CLB. Các khoản thu khác như tài trợ hay bán vé cũng tăng nhưng không nhiều và chỉ chủ yếu mang lại lợi ích cho các CLB lớn của châu Âu. Nghịch lý đầu tiên là sự tăng trưởng doanh thu này không dẫn đến sự cải thiện đáng kể trong hoạt động tài chính của các CLB. Lí do chính cho điều này là ưu tiên hàng đầu của các CLB là quản lí rủi ro liên quan đến thể thao. Để đạt được mức tăng trưởng doanh thu trong tương lai, một CLB phải duy trì tính cạnh tranh và đảm bảo rằng CLB đó không bị giáng xuống một hạng thấp hơn.
Điều này có nghĩa việc tuyển dụng những cầu thủ giỏi nhất (theo định nghĩa là tài sản quý hiếm) và trả chi phí chuyển nhượng cùng mức lương cao hơn. Ít nhất là trong ngắn hạn, các khoản thu mới sẽ không bù đắp được các chi phí này. Trong “cuộc chạy đua vũ trang” mà các CLB đã tham gia trong hơn hai thập kỉ qua, các cầu thủ và người đại diện đã chiếm phần lớn thu nhập của ngành. Trong hoàn cảnh đó, một số CLB đã làm rất tốt và thu được lợi nhuận đáng kể. Thế nhưng, những lợi nhuận này phụ thuộc vào thành tích của CLB và cũng liên quan đến khả năng mua cầu thủ của các CLB giàu nhất. Hiện tại, vì cuộc khủng hoảng Covid-19, những CLB này có thể không còn quan tâm đến việc mua hoặc có thể tập trung vào những cầu thủ trẻ tài năng nhất.
Về mặt cấu trúc, các CLB tạo ra ít hoặc không có dòng tiền và vốn chủ sở hữu của họ bị hạn chế. Tốt nhất, như trường hợp trước cuộc khủng hoảng Covid-19, các CLB được quản lí tốt nhất không thua lỗ (hoặc ít). Điều này không loại trừ khả năng tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư, nhưng điều đó được dự đoán dựa trên doanh thu của ngành đang tăng lên. Nếu doanh thu của các CLB đang tăng lên, các nhà đầu tư có thể cho rằng, trong dài hạn, họ sẽ nhận được một phần của sự tăng trưởng này và rằng họ sẽ có lợi từ việc truyền thông bao phủ bóng đá nhiều hơn, ngay cả khi phần lớn giá trị thuộc về những cầu thủ.
Tác động về quản lí
Cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng đặt ra câu hỏi về quản trị bóng đá, hiện đang vận hành ở nhiều cấp độ khác nhau. Bóng đá được cấu trúc theo hình kim tự tháp với đỉnh là FIFA, xuống dần là các liên đoàn châu lục như UEFA, và sau đó là các liên đoàn quốc gia rồi các giải. Nghịch lý của cơ cấu quản trị này là tất cả các tác nhân hợp tác nhưng cũng cạnh tranh với nhau để tổ chức các giải. Ví dụ, việc UEFA phát triển Champions League có thể làm phương hại đến các giải vô địch quốc gia. Hơn nữa, các giải vô địch hạng nhất góp phần cung cấp tài chính cho các CLB nghiệp dư. Do đó, nền kinh tế bóng đá có mối liên hệ phức tạp với sức hấp dẫn của các CLB chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh đã gây căng thẳng cho tổ chức và quản trị này bằng cách đặt ra câu hỏi làm thế nào để chia sẻ của cải được tạo ra trong một lĩnh vực không còn phát triển. Nỗ lực gần đây nhằm tạo ra một giải đấu khép kín (European Super League) đã phản ánh mong muốn của một số CLB châu Âu trong việc xác định lại các điều kiện để chia sẻ sự giàu có này. Thách thức này đối với hệ thống sẽ gây ra hậu quả cho toàn bộ ngành và đó là lí do tại sao các chính phủ quốc gia, UEFA và hầu hết các hệ sinh thái bóng đá phản đối European Super League. Thế nhưng, điều đó có nghĩa là quyền quản lí bóng đá là không thể thay đổi? Bởi bóng đá được toàn cầu hóa, quản trị của nó hoạt động ở cấp độ siêu quốc gia và cấp quốc gia.
Do đó, việc thay đổi cách thức quản lí sẽ đòi hỏi một ý chí chính trị chung, ít nhất là ở cấp độ châu Âu. Tuy nhiên, sự toàn cầu hóa của bóng đá đã cho phép sự gia nhập của những cổ đông có lợi ích không cùng hướng. Ví dụ, trong khi các nhà đầu tư tài chính tìm kiếm lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, các cổ đông nhà nước được thúc đẩy bởi sức mạnh mềm của bóng đá và mức độ bao phủ truyền thông tối đa. Trong bối cảnh đó, rất khó để chuyển đổi cách điều hành bóng đá.
Thế mới nói, cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đã làm trầm trọng thêm căng thẳng và các vấn đề về cấu trúc của bóng đá, như khả năng sinh lời thấp và sự chênh lệch đáng kể giữa các CLB. Trong ngắn hạn, cuộc khủng hoảng đã làm gián đoạn chiến lược của các nhà đầu tư đã đặt cược vào sự tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực này và lợi nhuận vốn (chuyển nhượng cầu thủ…). Cuộc khủng hoảng cũng có thể khiến một số CLB phải tái cơ cấu hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn.
Kịch bản nào cho tương lai? Trong Créer de la valeur dans le football - Comment évaluer les club et leurs actifs (Revue Banque Editeur, 2019), người ta đã phác thảo một số kịch bản cho tương lai của bóng đá: “giữ nguyên hiện trạng” (không có sự thay đổi lớn trong ngành bóng đá), “phá sản” (nhiều CLB phá sản và sức hấp dẫn của bóng đá giảm), hoặc “đứt gãy” (cấu trúc của ngành đặt ra câu hỏi: quy định mới, các giải mới,…). Theo một nghĩa nào đó, 3 kịch bản này vẫn hoàn toàn phù hợp, bởi vì hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn không ai biết được. Tuy nhiên, trong một vài tháng nữa, có khả năng một trong 3 kịch bản này sẽ chiếm ưu thế. |
Mạnh Hào
Tags