(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng, ánh sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm, khi cuộc họp của 20 CLB Serie A hôm 13/5 đi đến những quyết định quan trọng nhằm đưa giải đấu trở lại sau đây một tháng, khi tất cả cùng hy vọng, đại dịch đã lắng xuống và đã đủ an toàn để bắt đầu tổ chức 12 vòng đấu cuối cùng của mùa giải.
15/20 CLB đã đồng ý với đề xuất tái đấu vào ngày 13/6, trong khi 5 đội bóng muốn lùi hơn một tuần nữa, đến 20/6. Ngày 13/6 được coi là hợp lý hơn cả, bởi mùa bóng này, bao gồm cả Serie A lẫn Cúp Italy, bắt buộc phải kết thúc trước ngày 2/8 để sau đó nhường chỗ cho các Cúp châu Âu trở lại. Trong khoảng thời gian ấy, người ta cũng sẽ cố gắng tổ chức các trận bán kết lượt về và chung kết Cúp Italy. Sẽ là rất nhiều trận đấu trong một thời gian ngắn và tình trạng “dồn toa” để kịp kết thúc mùa bóng sẽ khiến cho các cầu thủ không có kì nghỉ Hè, bởi ngay sau đó, mùa bóng 2020-21 sẽ bắt đầu.
Rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra, trước hết là khả năng lây nhiễm virus giữa các cầu thủ, và chất lượng thi đấu cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng việc phải hoàn thành mùa bóng là điều không thể tránh khỏi, bất kể Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Italy không đồng tình. Bởi nếu không kết thúc được mùa giải, Serie A sẽ đối mặt với thiệt hại ít nhất 700 triệu euro từ các khoản thu khác nhau, trong đó có hơn 220 triệu từ phần chi trả đợt cuối của truyền hình trả tiền Sky.
Đưa ra được một thời điểm để có thể thi đấu trở lại, và nếu đề xuất ấy được chính phủ Italy thông qua, đấy có thể được coi là một tin vui thực sự cho bóng đá của đất nước hình chiếc ủng, vốn đã trải qua 3 tháng liền đóng băng vì đại dịch, và trong 3 tháng ấy, đã trải qua rất nhiều rắc rối, từ việc hàng loạt cầu thủ của nhiều CLB dương tính với virus corona, đến những tranh cãi không dứt về việc khi nào trái bóng có thể lăn trở lại.
Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là một lo lắng kinh khủng về việc họ có thể gục ngã vì khủng hoảng tài chính. Juventus đã nổ phát súng đầu tiên khi các cầu thủ đồng ý không nhận lương trong 4 tháng để hỗ trợ CLB trong hoàn cảnh khó khăn. Nhiều đội bóng khác cũng noi gương theo. Nhưng những nỗi lo lắng và thậm chí sợ hãi tiếp tục bám đuổi tất cả, trong một bức tranh buồn và ảm đạm của cả một quốc gia. Đó là những ngày u ám vô cùng, với mỗi ngày, cứ đến 6 giờ tối (giờ Ý), người ta lại công bố số lượng người nhiễm dương tính mới và số người thiệt mạng vì virus. Những con số khô khan nhưng đau lòng, hệt như một cuộc chiến đang diễn ra trên đất Ý.
Vào cái ngày mà đa số các CLB thống nhất được một ngày cho Serie A trở lại, vẫn có gần 1 nghìn ca nhiễm mới và 195 người chết vì virus, nâng tổng số người thiệt mạng lên hơn 31 nghìn. Nhưng đó là những con số được cho là tích cực, bởi đã giảm rất nhiều so với những ngày kinh khủng của tháng Ba và trên thực tế, vào đầu tháng Năm này, lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ dần dần để cuộc sống trở lại. Còn lâu nữa tất cả mới đạt mức bình thường như trước khi có dịch, và người Ý, sau hai tháng bị nhốt trong nhà, đã hiểu rằng, họ phải chấp nhận những thực tế mới.
Một trong những thực tế ấy chính là việc Serie A sẽ trở lại, nhưng các trận đấu vẫn diễn ra trên các sân không có khán giả trong một thời gian dài nữa. Thực tế ấy thì rất nhiều nhóm ultra (CĐV quá khích) không muốn chấp nhận. Họ phản đối giải đấu trở lại mà không có họ trên khán đài. Họ cũng phản đối vì tin rằng, bóng đá trở lại lúc này là vì lợi ích kinh tế của CLB chứ không phải vì họ. Đó là một câu chuyện thật buồn của bóng đá hiện tại. Serie A hai mùa gần nhất đã chứng kiến những khán đài đông trở lại và rồi đại dịch bùng nổ, bắt họ ở nhà và tước đi của họ niềm đam mê đến những sân bóng đang đem đến cho họ niềm vui.
Trái bóng sẽ lăn trở lại, nhưng dường như bóng đá đang sống trong một hoàn cảnh bị thúc ép phải diễn ra. Thật khó tìm thấy niềm vui trong áp lực lớn lao là thi đấu trong nỗi sợ hãi ấy. Đến bao giờ các khán đài mới có khán giả trở lại, khi ấy niềm vui mới thực sự hồi sinh…
Anh Ngọc
Tags