Hơn 20 ngày sau khi tái đắc cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 16/5 đã chính thức bổ nhiệm bà Elisabeth Borne làm Thủ tướng.
Với sự chấp thuận của vị cựu Bộ trưởng Lao động này, lần đầu tiên kể từ 30 năm trở lại đây nước Pháp lại có một phụ nữ đứng đầu chính phủ và bà Borne trở thành nữ Thủ tướng thứ hai trong nền Đệ ngũ cộng hòa, sau bà Édith Cresson, giữ chức vụ từ tháng 5/1991 đến tháng 4/1992 dưới thời Tổng thống François Mitterand.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, bà Elisabeth Borne, 61 tuổi, là một công chức sự nghiệp, trước khi gia nhập chính phủ của ông Macron, bà đã từng giữ chức Bộ trưởng Giao thông từ năm 2017-2019, Bộ trưởng Môi trường từ năm 2019-2020, và Bộ trưởng Lao động từ 2020 đến nay.
Theo mô tả của báo giới, bà Borne là một phụ nữ cánh tả nhẹ nhàng, có hiểu biết sâu sắc về đất nước, chính trị địa phương và kinh doanh. Bà cũng từng tham gia nhiều cuộc đàm phán với các tổ chức công đoàn trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Macron. Trong thời gian bà Borne làm Bộ trưởng Lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm. Báo chí Pháp cho rằng với vốn kiến thức sâu sắc của bà Borne về hoạt động chính quyền, bà sẽ có thể giúp Tổng thống Macron tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các chủ trương cải cách.
Trong bài phát biểu ngắn gọn đầu tiên của mình sau buổi bàn giao công việc với người tiền nhiệm Jean Castex tại điện Matignon, tân Thủ tướng Elisabeth Borne đã đề cập tới một số ưu tiên trong chính sách sắp tới, như về thương mại hay chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt bà muốn truyền cảm hứng cho tất cả các trẻ em gái để theo đuổi ước mơ của mình. Bà Borne nói: "Không gì có thể ngăn cuộc đấu tranh giành vị trí của phụ nữ trong xã hội. Tất cả cô gái nhỏ nên thực hiện ước mơ của mình".
Trước đó, theo thông lệ sau cuộc bầu cử Tổng thống, Thủ tướng Jean Castex đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron. Động thái từ chức của ông Castex, cũng như việc bổ nhiệm bà Borne đã mở đường cho một cuộc cải tổ nội các được trông đợi từ lâu của Tổng thống Macron, theo xu hướng chính phủ sẽ mang tính "tập trung" hơn, với ít bộ trưởng hơn, quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chính sách xã hội và phát triển xanh, theo cương lĩnh tranh cử mà ông Macron đã cam kết.
Điều này cũng được cho là có thể mang lại cho ông Macron cơ hội tập hợp một liên minh cánh tả rộng rãi trong cuộc bầu cử Quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày 12 và 19/6, đối mặt với thách thức từ phía chính trị gia Jean-Luc Melenchon, người về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống mới đây.
Nguyễn Thu Hà/TTXVN
Tags