Họa sĩ trẻ Vũ Hoàng (sinh năm 1989) tuy bước vào hội họa chuyên nghiệp muộn hơn so với những người bạn đồng trang lứa nhưng anh tự tin vào tài năng "nở muộn" của mình.
Quyết tâm làm lại từ con số 0
"Năm 2017, mình đến với hội hoạ chuyên nghiệp một cách rất tự nhiên, không hề tính toán trước. Một phần lý do là mình cảm thấy chán chường đối với công việc đang làm khi đó. Đồng thời, cùng thời điểm ấy, mình đã thử tham gia một số lớp học vẽ nghiệp dư. Và mình chợt nhận ra, tình yêu của mình dành cho hội hoạ lớn chừng nào, bởi chỉ khi cầm cọ vẽ, mình mới thật sự được là chính mình", anh Hoàng bày tỏ.
Từng tốt nghiệp ĐH Điện lực, sau đó trở thành kĩ sư giám sát công trình của một công ty tư nhân nhỏ, 8X miêu tả công việc thường ngày của mình khi đó là làm bản vẽ thi công, ra công trường, giám sát thi công... Anh tự đánh giá đó là một công việc khô khan, đôi lúc buồn tẻ và không có ngày nghỉ cuối tuần.
Họa sĩ Bùi Mai Hiên - phiêu du trong 'Vô cực'Biết bản thân thích vẽ từ nhỏ và có chút năng khiếu nhưng anh Hoàng ban đầu không được bố mẹ ủng hộ. Vì thế, anh buộc lòng "chôn giấu" ngọn lửa đam mê với hội họa trong lòng. Chỉ có điều, tới anh cũng không ngờ ngọn lửa ấy lúc này cũng bừng bừng nhiệt huyết...
Họa sĩ trẻ bộc bạch: "Lúc quyết định nghỉ việc để ôn thi đại học, mình chẳng dám nói cho ai biết. Trước đây, bố mẹ sợ mình sẽ gặp khó khăn về kinh tế nên không muốn cho con trai theo đuổi hội họa. Vì thế, khi có thông báo trúng tuyển vào Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, mình mới kể thật cho gia đình. Bố mẹ rất bất ngờ, cảm xúc vui mừng xen lẫn lo lắng vì lúc đấy, mình đã 27 tuổi và bắt đầu học lại đại học cùng các em sinh năm 1999-2000."
Bản thân anh Hoàng khi ôn thi lại ĐH cũng "ôm" một nỗi lo lắng mơ hồ, rằng, mình có thể không đỗ. Nếu điều ước ấy không thành công thì anh có thể sẽ phải tìm một công việc mới liên quan đến ngành nghề cũ. Dường như, anh chẳng muốn quay về công việc khiến mình
"lầm đường lạc lối" suốt một thời gian dài của tuổi trẻ nữa. Những suy nghĩ ấy vừa là áp lực vừa là động lực thúc đẩy anh phải nỗ lực mỗi ngày.
Âm ỉ "ngọn lửa" đam mê
"Chậm mà chắc", 8X luôn có một niềm tin lớn về tài hội họa của mình: "Mình không hề sợ khả năng vẽ của bản thân "lụi tàn". Mình bắt đầu hội họa chuyên nghiệp từ con số 0, mình được trở lại thời sinh viên lần thứ 2, mình được sinh hoạt cùng và học hỏi nhiều từ các bạn trẻ.
Trong 5 năm học ĐH, mình gặp khá nhiều khó khăn. Càng học, mình càng thấy khó bởi ngoài việc học kỹ thuật, còn phải học tư duy sáng tác cũng như cần tìm cho mình lối vẽ riêng để có chỗ đứng trong nền mỹ thuật Việt. Mình biết, khá nhiều người không công nhận khả năng vẽ của mình.
Nhưng hội hoạ là thế! Mình không thể vẽ để tất cả mọi người phải thích tác phẩm của mình được. Mình sẽ và chỉ vẽ để thoả mãn chính mình và những người thực sự yêu thích những tác phẩm của mình mà thôi".
Tranh của anh Hoàng thường thiên về hiện thực xã hội đô thị, về cuộc sống gần gũi xung quanh con người, về những biến chuyển trong nếp sống giữa các thế hệ. Từ những điều vốn dĩ quen thuộc, anh tìm thấy một nguồn cảm hứng lớn để sáng tác.
Cái đẹp của thủ đô Hà Nội in trong tâm trí mỗi người rất khác nhau. Nhưng trong cảm nhận của 8X, anh lại vục tìm được một điều gì đó cô đơn, lạnh lẽo, nhưng lại là một màu trầm đẹp đẽ. Với chủ đề xã hội đô thị, anh Hoàng cho rằng đây là một chủ đề khai thác không bao giờ cạn kiệt. Anh thường dùng sơn dầu để khắc họa tỉ mỉ thế giới quan của mình lên tranh.
Vũ Hoàng không ngại tiết lộ: "Từ khi theo hội hoạ chuyên nghiệp, thời gian và tài chính là hai trở ngại mình đang tìm cách tháo gỡ. Kinh tế vững, mình mới có khoảng trống trong tâm trí để suy nghĩ và thực hành nghệ thuật. Bù lại, điều mà mình tự tin nhất cho đến thời điểm này là bản thân biết mình thực sự thích gì, mình làm điều gì tốt nhất."
Hạnh phúc khi được là mình
Trải qua 10 năm theo học và làm những công việc không phải sở thích nên quyết tâm theo đuổi hội hoạ chuyên nghiệp của anh Hoàng vô cùng lớn. Hiện tại, công việc chính của anh vẫn là sáng tác tại xưởng riêng và đi dạy vẽ để có thêm một khoản thu nhập nhỏ đủ duy trì đam mê.
Nguồn cảm hứng của anh với hội họa lúc nào cũng dồi dào và đầy hứng khởi. Ở bất cứ triển lãm nào, anh cũng muốn giành lấy cơ hội cho riêng mình. Anh kì công gửi mọi tác phẩm cá nhân để tham dự mặc dù trong lòng không dám hi vọng nhiều. Với một "tay ngang" như Vũ Hoàng, được nhận treo tranh đã là một vinh dự lớn rồi. "Mình vẽ không phải để đạt giải thưởng. Mình vẫn đặt mục tiêu cao cả là vẽ để thoả mãn chính mình trước", anh cho hay.
"Có công mài sắt, có ngày nên kim", nỗ lực mỗi ngày chắc chắn được đền đáp hoa thơm trái ngọt. Sau khi tốt nghiệp, giải thưởng lớn nhất đáp đền những cố gắng không ngừng nghỉ của anh Hoàng là giải nhì Festival mỹ thuật trẻ toàn quốc Việt Nam 2022. Ấy vậy mà chính anh cũng tự bất ngờ khi bản thân lần đầu được "chạm" vào một giải thưởng lớn đến vậy.
Nhưng hạnh phúc cứ xen lẫn với lo lắng. Anh tự hỏi liệu sau này mình có còn sáng tác được những bức tranh tốt hơn nữa không... Vì không phải họa sĩ nào cũng đủ tài năng, đủ cảm xúc để vẽ được một bức tranh lần thứ hai đẹp như lần đầu tiên.
Trong hồi ức của họa sĩ trẻ, quá trình anh thực hiện tác phẩm "Cửa Sắt" giống như giai đoạn sâu hóa thành nhộng, chờ ngày trở thành bướm vậy. Đó là một quãng thời gian dài đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành, anh gần như trú mình trong xưởng mỗi ngày. Thời điểm này, tài chính để duy trì xưởng vẽ cũng như sinh hoạt hằng ngày của anh gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, nội dung bức tranh đã khắc hoạ lại chính kí ức của 8X về những tháng ngày anh sinh sống ở Hà Nội, cảm xúc hỗn độn, có cả vui, buồn, hoài niệm, hạnh phúc…
Còn bức tranh mà anh tâm đắc nhất chắc hẳn phải kể đến tác phẩm “Cứa 3” được tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020. Anh vẽ về một chàng trai bị trầm cảm, cũng là một người bạn học trong lớp. Anh thấy đây là hiện trạng xã hội của không ít những bạn trẻ sống ở những thành phố lớn, chúng cứa mình để tự cứu mình.
Anh Hoàng cho biết: "Là một người theo đuổi hội hoạ muộn nhưng mình thực sự không lo lắng nhiều về tuổi tác. Hội hoạ là con đường mà mình sẽ quyết tâm đi đến cuối cùng. Mình chỉ lo không biết bản thân liệu có đủ thời gian và sức khoẻ để sáng tác ra nhiều tác phẩm hay trong tương lai không mà thôi."