(Thethaovanhoa.vn) - Cua-rơ kỳ cựu Lê Văn Duẩn đứng trước nguy cơ từ giã sự nghiệp thi đấu sau một tai nạn nghiêm trọng tại chặng thứ 2 hai Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa 2019 từ tỉnh Svay Rieng đến thủ đô Phnom Penh vào ngày 23/10 vừa qua. Đây là lần thứ 2 trong 2 năm liên tiếp, cua-rơ này phải bỏ cuộc giữa chừng vì chấn thương và cho thấy, xe đạp là một trong những môn thể thao tiềm ẩn nguy cơ bị tai nạn hoặc chấn thương rất cao trong tập luyện và thi đấu.
Lê Văn Duẩn 2 lần bỏ cuộc vì chấn thương
Lê Văn Duẩn vừa gặp phải tai nạn tại chặng thứ 2 cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa 2019 xuất phát từ tỉnh Svay Rieng đi thủ đô Phom Penh vào ngày 23/10 vừa qua. Sau khi rời khỏi vạch xuất phát, cua-rơ này va chạm với 2 tay đua khác và bị ngã xuống đường. Cú va chạm giữa 3 người đã khiến Lê Văn Duẩn buộc phải dừng cuộc đua và lên xe đi cấp cứu do vết thương khá nghiêm trọng. Kết quả thăm khám cho thấy, Lê Văn Duẩn bị gãy xương đòn vai và lập tức được đưa về TP.HCM bằng máy bay để chữa trị. Theo lý giải của Lê Văn Duẩn, việc bị tai nạn trong thi đấu là do anh đã tăng tốc quá nhanh để bám đuổi đối thủ. Bánh xe trước thậm chí đã nhấc khỏi mặt đất khi tăng tốc dẫn đến trượt ngã. Đây là một trong số những tai nạn thường thấy trong các cuộc đua, đặc biệt, khi các cua-rơ chủ động tăng tốc và đạt tốc độ cao. Ngoài ra, khi cả đám đông cùng tăng tốc, nguy cơ các cua-rơ vướng vào nhau dẫn đến tự ngã cũng rất cao, bởi không phải tay đua nào cũng có thể hoàn toàn làm chủ tốc độ ở thời điểm thi đấu căng thẳng, quyết liệt.
Như vậy, đây là lần thứ 2, cua-rơ Lê Văn Duẩn buộc phải dừng cuộc đua giữa chừng do gặp tai nạn trên đường đua. Ở chặng 8 cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM diễn ra vào tháng 4/2018, Lê Văn Duẩn cũng đã gặp tai nạn ở chặng đua từ Quảng Bình đến Huế, cua-rơ này bị ngã sau khi nổ lốp xe và cố gắng để hoàn thành chặng thi đấu này. Tuy nhiên, ngay sau khi thấy sức khỏe không ổn định, Lê Văn Duẩn đã được đưa tới bệnh viện và theo chẩn đoán của các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, Lê Văn Duẩn bị tràn khí màng phổi phải, gãy cung bên xương sườn 6 bên phải và phải tiếp tục nằm viện để theo dõi, chăm sóc. Đội đua Anh văn Hội Việt Mỹ TP.HCM buộc phải rút tên Lê Văn Duẩn khỏi giải đua để anh hồi phục chấn thương. Lúc đó, Lê Văn Duẩn xếp hạng 3 trên bảng tổng sắp cá nhân sau 8 chặng. Anh cũng đang xếp hạng nhì trong cuộc cạnh tranh danh hiệu Vua nước rút với 2 lần thắng chặng từ đầu giải. Cho đến lần tai nạn này, Lê Văn Duẩn đối diện với nguy cơ giã từ sự nghiệp thi đấu, bởi việc hồi phục chấn thương gặp nhiều khó khăn và gánh nặng tuổi tác ngày một đè nặng lên thành tích thi đấu. "Tôi cũng muốn thi đấu thêm một năm nữa nhưng có lẽ đã đến lúc nghĩ đến chuyện giã từ sự nghiệp sau tai nạn lần này", Lê Văn Duẩn cho biết.
Nguyễn Thị Thà từng giã từ sự nghiệp thi đấu vì tai nạn
Những cú ngã hoặc tai nạn trên đường đua như Lê Văn Duẩn gặp phải là chuyện không cua-rơ nào mong muốn, dù vậy, nó vẫn xảy ra khá thường xuyên và với nhiều VĐV xe đạp chuyên nghiệp, đây là chuyện “cơm bữa” trong tập luyện và thi đấu. Mức độ chấn thương của các tai nạn khi thi đấu môn xe đạp cũng muôn hình vạn trạng. Nhẹ thì xây xát chảy máu, nặng hơn chút thì rạn xương, gãy xương phải bó bột. Thậm chí, làng xe đạp Việt Nam đến nay vẫn còn rúng động bởi tai nạn khiến cua-rơ nổi tiếng Nguyễn Thị Thà gặp phải tại Đại hội TDTT toàn quốc vào năm 2014 khiến cô gái này phải giã từ sự nghiệp thi đấu.
Sự cố xảy ra ở nội dung đua xuất phát đồng hàng 80km nữ tại giải đua xe đạp thuộc khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 tại Hòa Bình. Nguyễn Thị Thà bị tai nạn ở dốc Cun trong cuộc đua dưới trời có nhiều sương mù và hạn chế tầm nhìn. Cua-rơ nữ này bị dập ổ gà, sau đó mất lái và ngã văng vào lề đường. Tai nạn này khiến Thà bị gãy bốn xương sườn, giập một quả thận phải cắt bỏ, tràn dịch phổi, tổn thương gan, lá lách... Ngay sau đó, Nguyễn Thị Thà được chuyển lên Hà Nội cấp cứu, phải có tới 5 VĐV của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội có cùng nhóm máu được huy động đến viện truyền máu cho Thà, các bác sỹ mới kịp thời cứu sống được cua-rơ này. Sau tai nạn, Nguyễn Thị Thà mất thêm gần 6 tháng điều trị và buộc phải mang theo rất nhiều thiết bị trên người mới có thể bình phục được một phần sức khỏe. Tuy nhiên, việc chỉ còn lại một quả thận và thể lực hao tổn quá nhiều sau một tai nạn nghiêm trọng đã khiến cua-rơ này phải từ bỏ sự nghiệp thi đấu. Nguyễn Thị Thà sau đó đi học kế toán và được nhận vào làm việc tại Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Câu chuyện của cua-rơ Nguyễn Thị Thà thời điểm đó gióng lên những hồi chuông báo động về công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các cua-rơ trên đường đua, song nó cũng chìm khá nhanh vào quên lãng bởi một phần do không có nhiều người có trách nhiệm thực sự muốn nhớ tới sự cố này.
Tập luyện và thi đấu môn xe đạp luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn rất lớn cho các cua-rơ tham dự, điều này là bất khả kháng bởi đặc thù thi đấu của môn thể thao có tính cạnh tranh, đối kháng quyết liệt, bên cạnh việc thi đấu trên địa hình khó có thể đảm bảo tối đa sự an toàn cho từng tay đua tham dự. Rất nhiều tai nạn thương tâm đã xuất hiện trong các cuộc thi đấu xe đạp Việt Nam nhiều năm qua, trong đó, nguyên nhân dẫn đến tai nạn cho lỗi chủ quan từ phía các nhà tổ chức không đảm bảo an toàn cũng có, hoặc nguyên nhân khách quan từ các phương tiện khác, do súc vật chăn thả hoặc do người xem không đứng đúng nơi quy định cũng có. Với tần suất số vụ tai nạn xảy ra trong các cuộc đua khá cao, xe đạp thể thao được liệt vào danh sách những môn thể thao khá nguy hiểm tại Việt Nam. Thậm chí, theo Thông tư 04/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức có hiệu lực kể từ 1/9 công bố 10 hoạt động thể thao mạo hiểm, trong đó bao gồm cả tập luyện và thi đấu xe đạp địa hình. Để có thể tham gia tập luyện và thi đấu môn thể thao này, cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe, đòi hỏi phải có người hướng dẫn tập luyện thể thao, nhân viên cứu hộ, phải có nhân viên y tế thường trực hoặc văn bản thỏa thuận với cơ sở y tế gần nhất về nhân viên y tế để sơ cứu, cấp cứu người tham gia hoạt động thể thao mạo hiểm trong trường hợp cần thiết… Trong điều kiện hiện nay, việc đảm bảo an toàn cho các cua-rơ tham dự cuộc đua xe đạp dù đã được các nhà tổ chức quan tâm và tạo điều kiện tối đa, song trên thực tế, mới chỉ giảm thiểu được các nguy cơ chứ không hạn chế tối đa các tai nạn. Hầu hết các đội đua phòng tránh tai nạn bằng kinh nghiệm trong thi đấu thực tế của HLV, VĐV và phụ thuộc một phần vào chất lượng công tác bảo vệ đoàn đua của các nhà tổ chức, chứ không thể hoàn toàn loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn trong một cuộc đua có tính đối kháng và cạnh tranh quyết liệt như môn xe đạp. |
Vũ Lê
Tags