Dù không có giải Nhất, nhưng vẫn có thể nói cuộc thi Truyện ngắn hay 2022 đã thành công ngoài mong đợi, vì nhận được 1.166 truyện ngắn dự thi. Cuộc thi do tạp chí Văn nghệ TP.HCM và Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự tài trợ giải thưởng của Sách Huyền Đức.
Ban sơ khảo đã chọn 320 truyện ngắn vào vòng chung khảo, trong đó có 259 tác phẩm được in trên tạp chí Văn nghệ TP.HCM. Trong số này, có 40 tác phẩm được chọn in thành sách Truyện ngắn hay 2022.
Kết quả, hai giải Nhì được trao cho Cao Chiến (TP.HCM) với truyện ngắn Ngôi nhà rường bản Trăng và Lệ Hằng (Đà Nẵng) với truyện ngắn Triệu view giá bao nhiêu?. Ba giải Ba trao cho Trần Thái Hưng (Hải Phòng) với truyện ngắn Camera, Võ Đăng Khoa (An Giang) với truyện ngắn Cái gương và Lê Quang Trạng (An Giang) với truyện ngắn Niết bàn của nàng. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao năm giải Khuyến khích; hai giải Tác giả trẻ trao cho Dương Bảo Hân và Hoàng Yến.
Trẻ già đua tranh
Nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) đánh giá: "Cuộc thi thành công vì đã quy tụ được nhiều cây bút thành danh và nhiều cây bút trẻ, cây bút mới ở mọi miền đất nước, tạo nên một sinh khí văn chương, thoạt nhìn như lặng lẽ, nhưng kỳ thực lại "náo động". Náo động không chỉ nơi người cầm bút tham gia cuộc thi này, mà còn có cả ở những người tổ chức cuộc thi, cả sự chờ đợi của những người yêu thích văn chương và cả truyền thông báo chí".
Ngoài những cây bút quen thuộc, lớn tuổi như Cao Chiến, Nguyễn Trí, Nguyễn Hiệp, Phùng Phương Quý, Vũ Đảm… thì lứa tuổi 8X có Nguyễn Kim Hòa, Trần Minh Hợp, Đào Thu Hà… Lứa tuổi 9X có Lê Quang Trạng (An Giang), Trần Thái Hưng (Hải Phòng), Nguyễn Anh Tuấn (Quảng Bình)... Lứa tuổi 10X có Võ Đăng Khoa (An Giang, sinh 2001), Hoàng Yến (TP.HCM, sinh 2007), Abdumominov Abdulioh (Uzbekistan, sinh 2010)…
Đọc truyện ngắn Phía sau vết cắt của Hoàng Yến, Bích Ngân nhận xét: "Tác giả cho thấy được nội lực của một tâm hồn bị tổn thưởng sâu sắc về những di chứng từ bạo lực học đường và nỗ lực vượt qua nó bằng tất cả sinh mệnh của trái tim. Sự nỗ lực kiên cường của chủ thể sáng tạo để cho ra đời một tác phẩm văn chương mang thông điệp sẻ chia và cảnh tỉnh đã làm cho người đọc bàng hoàng và đánh thức nơi họ trách nhiệm với cuộc sống, với số phận con người".
Tuy dung lượng không vượt quá 3.500 chữ (theo quy định của cuộc thi, để có thể đăng trên tạp chí Văn nghệ TP.HCM), nhưng nhiều truyện ngắn đã diễn tả được những bi kịch đời người, khái quát được những hiện thực tích cực lẫn tiêu cực trong xã hội hôm nay, bộc lộ những chiêm nghiệm sâu sắc… Nhiều truyện mang được hơi thở đương đại, viết với niềm tin nhân văn rằng, sau cùng thì cái tốt, cái thiện vẫn là mầm sống chính của xã hội.
"Ám ảnh cho người đọc lại chính là những tác giả trẻ. Còn rất trẻ mà các em đã rất vững chãi, già dặn trong bút pháp thể hiện, lớn hơn tuổi trong thể hiện cảm xúc, trách nhiệm với chính thế hệ mình khi góp vào tiếng kêu bi thương, gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn xâm hại tình dục, bạo lực học đường" - nhà văn Trầm Hương (Trưởng Ban giáo khảo) nhận xét.
Đề tài phong phú
Trầm Hương nói tiếp: "Với khối lượng tác phẩm lớn, đa dạng đề tài, vùng miền, lứa tuổi, Ban giám khảo đã làm việc với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị. Việc chọn ra những tác phẩm để trao giải quả là một quá trình khó khăn, thách thức. Đây là cuộc thi truyện ngắn hay, nên tiêu chí "hay" đã được Ban tổ chức đặt lên hàng đầu. Việc không tìm ra một truyện hay nhất, thật xuất sắc, để trao giải Nhất cho thấy sự cầu thị của Ban giám khảo, cho thấy sự thành công của cuộc thi này, nếu nhìn ở khía cạnh cầu toàn".
Chị phân tích thêm: "Nhiều truyện ngắn hay đã viết về những cựu binh với bản lĩnh người lính, nỗi day dứt về đồng đội hy sinh, trách nhiệm người lính trước trận chiến đói nghèo và sự dũng cảm trước cái ác thời bình - một trận chiến không kém phần khốc liệt".
"Nông thôn ngày nay không còn bình yên nữa khi đất đai bị đầu cơ, cùng với quá trình đô thị hoá. Tình người, quan hệ xóm giềng, gia đình cũng đổi thay, biến tướng thành những lọc lừa, dối trá và đổ vỡ. Những truyện ngắn về đề tài ngỡ khô khan này lại vô cùng hấp dẫn, dẫn đến những cung bậc cảm xúc vi diệu, biến ảo khôn lường về sự khám phá con người".
Nhà văn Bích Ngân khẳng định: "Truyện ngắn là thể loại được chọn lựa, yêu thích và là sở trường đối với đại đa số người sáng tác văn chương; và truyện ngắn luôn là thể loại của nhiều cuộc thi để tìm kiếm tài năng văn chương. Tuy với dung lượng chữ thường được giới hạn trong vài ba ngàn chữ nhưng là thể loại giúp cho người viết có thể sớm lộ tài năng nếu thực sự có tài năng. Hầu hết tài năng văn chương của nền văn học Việt Nam, và có lẽ là của cả thế giới, sớm được khẳng định ở thể loại truyện ngắn. Ngắn nhưng lại mở dài, mở rộng con đường sáng tạo cho người viết văn".
Giải Thơ hay 2023 và hơn thế nữa
Tại lễ trao giải Truyện ngắn hay 2022 cũng đã phát động cuộc thi Thơ hay 2023. Cuộc thi dự đoán sẽ thu hút hơn 10.000 bài thơ dự thi. BTC nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1/5/2023 đến hết ngày 29/2/2024 và dự kiến trao giải vào dịp 30/4/2024. Tác phẩm dự thi ghi rõ "Bài dự thi cuộc thi Thơ hay 2023", gửi về tạp chí Văn nghệ TP.HCM, hoặc gửi về email: [email protected].
Từ thông điệp về bạo lực học đường trong truyện ngắn Phía sau vết cắt của Hoàng Yến, nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) kêu gọi sự tài trợ, đồng hành để mở ra một cuộc thi về chủ đề này. "Chúng ta cần nhận thức đúng đắn về những di hại của bạo lực học đường để mà có phương án cảnh tỉnh, phòng ngừa từ sớm. Chính cuộc thi về chủ đề này sẽ giúp chúng ta lắng nghe được câu chuyện của những người trong cuộc" - Bích Ngân nói.
Tags