(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày căng thẳng chống dịch Covid-19, người dân tại Hà Nội và nhiều địa phương tuy phải chịu đựng những khó khăn, vất vả trong sinh hoạt đời thường, nhưng bù lại, ai cũng được hưởng bầu không khí mát xanh, trong lành do đường phố vắng xe cộ.
Giờ đây, khi cuộc sống “bình thường mới” đang dần trở lại và học sinh cũng rục rịch trở lại trường thì vấn nạn “kẹt xe, tắc đường” vốn đã gây nhức nhối nhiều năm qua sẽ lại tiếp tục tái diễn. Gần nhất, Hà Nội vừa phải chứng kiến cảnh ùn tắc nhiều giờ kéo dài hơn 10km trên đường vành đai 3 do tai nạn trên cầu Thanh Trì…
Câu chuyện làm thế nào để giảm thiểu ùn tắc giao thông một lần nữa lại được xới lên khi mới đây, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Sở GTVT) báo cáo thành phố đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường” để hạn chế xe cơ giới đi vào nội đô.
Đề án này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến tranh luận trong cộng đồng. Cũng cần phải nhắc lại, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ô tô là 600 ngàn, cộng thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai. Vào năm 2017, HĐND thành phố Hà Nội cũng đã thông qua “Đề án tăng cường quản lý xe cá nhân đến năm 2020, tầm nhìn 2030” trong đó có xác định nhiệm vụ thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực ùn tắc là một trong các giải pháp hạn chế xe cá nhân, chống ô nhiễm môi trường. Khi ấy, phép thử hạn chế xe gắn máy tại một số tuyến phố cũng đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng, cuốn cả xã hội vào một cuộc tranh luận.
Với đề án "thu phí ô tô vào nội đô” mới được trình lên thành phố Hà Nội thì sao? Theo đó, Hà Nội sẽ lập 87 trạm thu phí ở vành đai 3, hoạt động từ 5h đến 21h hàng ngày. Theo đơn vị tư vấn, trong đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Nhưng do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc đưa ra phương án thu phí xe vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.
Theo dõi các tranh luận của cộng đồng mạng về đề án này, tôi nhận thấy mọi ý kiến đều tập trung vào mấy vấn đề chính. Đầu tiên là bài toán di dời các trường đại học, bệnh viện, các cơ quan, doanh nghiệp lớn, các bến tàu, bến xe ra khỏi các khu trung tâm, về các vùng ven đô. Quy hoạch lại các khu chung cư tại các khu trung tâm để người dân không còn cảnh sống chen chúc.
Vấn đề tiếp theo chính là hệ thống vận tải hành khách công cộng, cụ thể là các tuyến đường sắt đô thị và mạng lưới xe buýt công cộng. Và cuối cùng là quỹ đất dành cho việc xây dựng các bến bãi bên ngoài nội đô, làm sao thuận tiện để người dân từ các địa phương khác có chỗ gửi các phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông công cộng.
- Chính phủ đồng ý thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội
- "Hà Nội cần sớm thu phí phương tiện vào nội đô"
Cho dù đề án thu phí ô tô vào nội đô đang còn gây ra nhiều tranh cãi, nhưng trong tương lai, việc hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô và trong nội đô là tất yếu. Có một lợi thế, đó là việc đề xuất thu phí ô tô vào nội đô chỉ bắt đầu thực hiện thí điểm từ năm 2024, 2025, sau đó tổng kết và năm 2030 mới triển khai toàn diện, tức là từ nay đến đó chúng ta có lộ trình gần 10 năm chuẩn bị.
Và để người dân hạn chế sử dụng xe cá nhân vào nội đô, và trong nội đô, chính quyền cũng cần khẩn trương đưa ra được các lựa chọn thay thế tương xứng và phù hợp với tình hình giao thông công cộng nhằm mục đích thay đổi thói quen đi lại hàng ngày. Theo tôi, đấy mới là vấn đề cốt yếu. Rất khó, nhưng chúng ta có 10 năm để chuẩn bị và xác lập thói quen này.
Xuân An
Tags