Chào tuần mới: 11 phút vô cảm

Thứ Hai, 01/07/2019 06:59 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những con số trong một vụ tai nạn tuần qua chắc chắn còn ám ảnh chúng ta rất lâu dài. Rạng sáng ngày 25/6, tại TP HCM, một vụ va chạm đã xảy ra giữa một xe taxi và một xe máy do một nam thanh niên điều khiển, phía sau chở một phụ nữ, tai nạn đã khiến cả hai văng khỏi xe, ngã xuống vỉa hè, nằm co giật.

Vô cảm trước sự an nguy của đồng loại

Vô cảm trước sự an nguy của đồng loại

Thái độ vô cảm trước đồng loại của một bộ phận không nhỏ con người trong xã hội, nhất là ở các thành phố lớn vốn đã được cảnh báo nhiều.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi 11 phút được camera ghi lại, có 39 xe với hàng chục người đi qua vị trí nạn nhân…

Tuy nhiên, như báo chí đưa tin, hầu như không có ai trong số đó có hành động giúp đỡ nạn nhân (chỉ có một thanh niên đi xe máy ngang qua dừng lại, lấy điện thoại ra gọi). Thậm chí tài xế taxi liên quan tới vụ tai nạn, sau khi nhìn tới nhìn lui và “do quá hoảng loạn” cho nên đã lên xe rời khỏi hiện trường, để mặc 2 nạn nhân nằm co giật!

Rất nhiều ý kiến bình luận, nhiều câu hỏi rằng tại sao giữa một thành phố lớn trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay lại có chuyện như vậy?

Có người biện minh rằng, cứu giúp nạn nhân trong các vụ tai nạn có thể bị phiền toái, bị vạ lây… nên từ đó nhiều người thu mình lại rồi sinh ra thờ ơ, vô cảm.

Vô cảm trước tai nạn, 11 phút vô cảm, Vô cảm trước người bị nạn, Vô cảm bỏ mặc người bị nạn
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Báo Tiền Phong

Tôi chợt nhớ bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy cách đây hơn 30 năm. Trong phim có trường đoạn giải thích rằng: tử tế hiểu đơn giản nhất chính là cẩn thận và có trách nhiệm từ những việc nhỏ nhất. Đặc biệt là biết quan tâm và giúp đỡ đồng loại.

Trong câu chuyện ở trên, việc làm tử tế và đơn giản có thể làm được, đó chính là mở điện thoại gọi số 115 hoặc 113 thông báo những gì mình nhìn thấy.

Thế nhưng, sự giúp đỡ đó không biết đến phút thứ bao nhiêu sau vụ tai nạn thì mới có. Có thể dám chắc là, hầu hết những người trong clip ấy đều bất ngờ khi biết rằng, góc phố ấy có một chiếc camera đang lặng lẽ ghi hình tất cả. Họ nghĩ sao khi xem lại chính mình trong clip ấy? Ta hãy thử đặt câu hỏi: giả sử như tất cả họ, đặc biệt là lái xe taxi, đều biết là đang có camera, thì họ sẽ hành xử ra sao?

Trong thời đại 4.0 với sự bùng phát của các thiết bị ghi hình thì người ta sẽ dần quen với việc mọi hành vi công khai nơi công cộng đều có thể được giám sát bởi các thiết bị điện tử. Và cho dù có đường phố nào không có camera quan sát, thì nói theo cách dân gian, vẫn còn “ông trời”. Hành xử của mỗi người luôn có “ông trời” chứng giám, nghĩa là làm điều tốt, cứu giúp đồng loại thì đừng quá lo bị phiền phức, bị vạ lây vì “cây ngay không sợ chết đứng”. Còn làm điều xấu thì “lưới trời lồng lộng” không thể nào trốn thoát được.

Giá như mọi người trong clip đều thấm thía điều đó.

***

Năm 1990, khi tôi còn trong quân ngũ. Một anh cán bộ trong đơn vị tôi bị đụng xe máy với người dân tại gần khu vực đơn vị đóng quân ở Bình Dương. Người gây tai nạn bỏ chạy vì sợ hãi để mặc anh gãy răng cửa, chân trầy xước nằm ngất bên vệ đường.

May mắn có gia đình một bà má gần đó nhìn thấy, bà gọi các con ra dìu anh vào đơn vị chúng tôi, sau đó cách ngày lại cho con mang trái cây vào thăm hỏi. Nhiều lần như vậy, quan hệ của gia đình với anh em trong đơn vị trở nên thân thiết lúc nào không hay. Khi chúng tôi xuất ngũ, anh em đến nhà mời gia đình vào liên hoan chia tay, tình cảm rất ấm cúng, gần gũi.

Chuyện thứ hai vào năm 2009, anh trai cô bạn làm cùng công ty với tôi bị tai nạn xe máy tại Thanh Xuân lúc 23h, gãy xương đòn vai và vỡ xương gò má, nằm bất tỉnh. Cũng may mắn cho gia đình, anh được một nhóm các sinh viên Đại học Quốc gia Hà nội phát hiện cứu giúp. Các em cắt cử nhau gọi xe cấp cứu, trông coi tài sản, gọi cảnh sát 113 đến hiện trường. Sau đó các em đến nhà trao trả toàn bộ tài sản cùng giấy tờ cá nhân của anh cho gia đình.

Nhớ lời chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu: “Bất cứ lúc nào, điều quan trọng nhất chúng ta nên ý thức là nên giúp đỡ người bị tai nạn, cho dù chúng ta bị một sự phiền phức nào thì sự trợ giúp đó cũng rất là quý giá. Và nếu chúng ta không giúp đỡ người khác thì đến một ngày nào đó chúng ta có thể trở thành nạn nhân thì ai sẽ giúp chúng ta? Chỉ cần có ý thức như vậy và có lòng thương người nhân ái, chúng ta sẽ tránh được sự vô cảm và ra tay giúp đỡ người khác”.

Đó cũng là một việc làm tử tế mà chúng ta cần phải bền bỉ đánh thức nó trong mỗi con người và trong cả cộng đồng.

Quốc Thắng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›