(Thethaovanhoa.vn) - Bắt đầu từ năm 2013, ngày 9/11 hằng năm được lấy là ngày Pháp luật Việt Nam. Năm nay, ngày Pháp luật Việt Nam rơi đúng vào ngày đầu tuần.
Với câu hỏi: Văn bản pháp luật nào cần phải phổ biến cho người dân hôm nay? Tôi cho rằng Nghị định 117/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế là câu trả lời phù hợp. Bởi lẽ bắt đầu từ ngày 15/11, Nghị định này chính thức có hiệu lực mà nội dung đáng chú ý là các mức phạt áp dụng cho những hành vi “ép buộc, xúi giục, lôi kéo” người khác uống rượu bia, không đeo khẩu trang nơi công cộng phòng dịch… đã tăng lên nhiều lần so với trước đây. Đây là 2 nội dung rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay…
Hẳn chúng ta còn nhớ, vào dịp đầu năm, khi Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP được đưa vào cuộc sống, đã có rất nhiều vấn đề được cộng đồng bàn luận. Từ mức phạt cao hơn hẳn những lần trước cho đến cách kiểm tra xử lý những lỗi vi phạm của các lực lượng chức năng… Cho đến thời điểm này, có thể nói rằng việc triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP là hoàn toàn đúng đắn.
Nghị định 117/2020/NĐ-CP về cơ bản dựa theo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia 2019. Tuy nhiên, có nhiều cái mới trong Nghị định 117/2020 rất đáng để mọi người chú ý thực hiện (từ điều 30 đến điều 37). Theo đó, uống rượu, bia khi từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi là vi phạm pháp luật và có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng. Việc bán rượu, bia tại địa điểm không được bán cũng là vi phạm và có thể bị phạt đến 10 triệu đồng. Khi không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người lái xe uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông, chủ xe có thể bị phạt tiền đến 10 triệu đồng…
Mặc dù vẫn còn một số vấn đề (chủ yếu là câu chữ…) vẫn đang còn các ý kiến bàn luận của cộng đồng thì tôi cho rằng mục đích chính của Nghị định này là bổ sung thêm các hình phạt nặng để phạt những hành vi, thói quen không tốt liên quan đến rượu bia trong cuộc sống hàng ngày. Đó là việc tụ tập nhậu nhẹt vô tổ chức, lạm dụng rượu bia trong giờ làm việc, biến tướng các cuộc vui thành “ép buộc người khác uống rượu bia”.
Ngoài ra, thói quen kinh doanh rượu bia tràn lan, cứ có khách mua là bán, không phân biệt đối tượng, lứa tuổi. Việc có nhiều quán bia tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, gần trường học, trong các khu dân cư tập trung ảnh hưởng đến các em học sinh, gây mất trật tự công cộng… cũng cần phải chấn chỉnh.
Còn việc đeo khẩu trang nơi công cộng thì lại liên quan đến một thói quen khác của người dân, đó chính là chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.
Nhiều ngày qua, chúng ta không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Nhưng không có ca mắc mới không có nghĩa là dịch bệnh đã chấm dứt. Trong khi vẫn còn một số hệ thống siêu thị bắt buộc khách hàng khi vào mua hàng phải đeo khẩu trang, xịt nước khử khuẩn thì nhiều nơi đã đánh mất thói quen này. Ngay tòa nhà chỗ tôi làm việc bây giờ cũng không nhắc nhở các nhà thầu đeo khẩu trang khi vào làm việc. Rất nhiều không gian công cộng như ngoài cổng các bến xe, nhà ga, người ra vào các khu chung cư cao tầng… không còn giữ thói quen đeo khẩu trang.
Chính vì vậy, Điều 12, vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch trong Nghị định 117, nêu rõ: Hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” tại khoản a, mục 1 bị xử phạt vi phạm hành chính 1-3 triệu đồng, tăng gấp 10 lần so với mức phạt cũ.
- Hà Nội hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11
Rõ ràng, Nghị định 117 đã quy định các mức chế tài để thay đổi những thói quen “không có lợi” cho bản thân, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng.
Nhân Ngày Pháp luật, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các văn bản pháp luật mới, cập nhật các quy định mới và thay đổi những thói quen cũ.
Quốc Khánh
Tags