Chào tuần mới: 'Chỉ số' từ ông Táo

Thứ Hai, 29/01/2024 07:02 GMT+7

Google News

Chúng ta đã đi qua hơn nửa tháng cuối cùng của năm Quý Mão. Và trong tuần này, một cột mốc đặc biệt của tháng Chạp sẽ đến với mọi người: Lễ cúng ông Công - ông Táo.

Thực tế, từ mấy ngày qua, những mặt hàng gắn với nghi thức truyền thống này cũng dần xuất hiện trên thị trường, lẫn không gian mạng. Cho dù, như chia sẻ trên mặt báo, nhiều chủ hàng năm nay chỉ sản xuất hoặc nhập hàng với quy mô nhỏ, giá thành vừa phải…

Ngẫm ra, ông Táo và những gì liên quan vẫn luôn là một thước đo với những chỉ số khá thú vị.

"Thước đo" từ cách cúng ông Táo không chỉ cho thấy sự "nóng - lạnh" về đời sống kinh tế trong dịp cuối năm. Trông vào đó, ta phần nào còn biết được điều kiện, thói quen tiêu dùng và cả góc nhìn về tâm linh của mỗi gia đình.

Ở đó, có những nhà chỉ đơn giản mua đồ thắp hương vào ngày 23 âm. Có những nhà bỏ công làm cỗ, sắm sửa từ trước đó vài ngày. Có những nhà chỉ mua một cặp cá chép nhỏ giá vài chục ngàn đồng để phóng sinh. Và có cả những nhà chuẩn bị tới 30 cân cá chép, chở bằng thùng lớn và ra tận Hồ Tây để thả - như câu chuyện từng khiến dư luận chú ý vài năm trước đây.

Chào tuần mới: 'Chỉ số' từ ông Táo - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Rồi rộng hơn, sự vận động của đời sống cũng thể hiện rất rõ trong nghi thức truyền thống này. Thế kỷ trước, đời sống khó khăn, nhiều gia đình giản lược mâm cỗ cúng chỉ với gạo, muối và đĩa trầu quả cau theo tâm lý "lễ bạc tâm thành". Thời bao cấp, có gia đình rán cá chép nguyên con, trước để cúng, sau để gia đình cùng… thụ lộc.

Còn khi kinh tế đi lên và nhu cầu của cộng đồng đa dạng hơn, "cá chép mã" bỗng xuất hiện để hóa cho thuận tiện với những người không có thời gian. Trong khi, nếu chuộng hình thức, có người lại mua loại cá koi gốc Nhật Bản để cúng xong phóng sinh - thậm chí thả luôn vào bể cá cảnh cho đỡ phí…

Thậm chí, ở mức độ nhất định, cúng ông Công - công Táo cũng cho thấy những xu thế đang nổi lên trong xã hội. Đó là cách sáng tạo khá "bắt trend" với hình thức bán "combo" cá chép phóng sinh "2 ông 1 bà", gồm 3 con cá chép, giá trọn gói 100 ngàn đồng, thay cho 1 cặp cá chép như cũ. Đó là tâm lý "tốt lễ dễ kêu", khi nhiều gia đình sắm vô vàn đồ mã như vàng, tiền, hình nhân, ô tô để hóa vào dịp này - dù những món đồ ấy không hề có trong tập tục…

***

Nhưng vượt lên tất cả, điều quan trọng - và cũng đơn giản nhất - với chúng ta ở lễ cúng ông Công - ông Táo chính là một "chỉ số" ngắn gọn: Tết sắp về.

Ở đó, một cánh cửa vô hình như mở ra, để trong cảm xúc, chúng ta kết nối với tổ tiên và quá khứ, dâng trào tình yêu thương và ơn kính với ông bà cha mẹ, quây quần gắn bó với những người xung quanh trong cảm giác sum họp đặc biệt của một gia đình.

Tình cảm và sự gắn bó giữa người với người - đó là điều được mong chờ và dễ nhìn thấy nhất ở Tết. Và dễ nhìn thấy ở cả tục cúng Táo quân của người Việt Nam - khi về bản chất, chúng ta đã bản địa hóa một tập tục của đạo Lão thành một truyền thuyết dân gian cảm động quanh tình nghĩa vợ chồng.

Nghĩ như thế, chuyện cúng ông Táo bỗng trở nên đơn giản và nhẹ nhàng, trong không khí vội vã của những ngày cuối năm.

Cúng ông Táo xong, một tuần nữa là đúng Tết!

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›