Chào tuần mới: Chờ đợi ở ngày giỗ Tổ

Thứ Hai, 15/04/2024 07:04 GMT+7

Google News

Chúng ta bước sang một tuần mới, với sự hào hứng về việc kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa được điều chỉnh để kéo dài suốt 5 ngày. Và trong quỹ ngày nghỉ dồi dào ấy, đương nhiên, mọi người cũng không quên xây dựng kế hoạch cho một ngày nghỉ lễ khác đến trước - nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) - vào thứ Năm này.

Có rất nhiều điều đáng chờ đợi ở kỳ nghỉ giỗ Tổ, cho dù chỉ kéo dài 1 ngày.

Nhìn lại, việc người lao động cả nước được nghỉ trong ngày giỗ Tổ mới chỉ được triển khai từ năm 2007. Thế nhưng, ít người biết, việc này từng xuất hiện ngay từ gần 80 năm trước, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập.

Cụ thể, đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 22 ấn định những ngày Tết, ngày kỷ niệm lịch sử và tôn giáo, trong đó ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) được đưa vào danh mục "Những ngày kỷ niệm lịch sử", với số ngày nghỉ là 1 ngày. Đồng thời, "Điều thứ nhất" của sắc lệnh cũng quy định rõ: "Trong những ngày lễ ấy, các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa, và sẽ cử nhân viên phụ trách công việc thường trực".

Chào tuần mới: Chờ đợi ở ngày giỗ Tổ - Ảnh 1.

Đoàn rước kiệu của thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Như thế, những biến động của lịch sử, cũng như những ràng buộc về điều kiện kinh tế xã hội, đã khiến chúng ta phải chờ nhiều thập niên để có một ngày giỗ Tổ gắn với ngày nghỉ lễ cho tất cả cộng đồng.

Kể chuyện cũ, để nói một thực tế: Dù ở bối cảnh và thời điểm nào, ngày 10/3 âm lịch hàng năm vẫn luôn là một cột mốc đáng nhớ trong văn hóa Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Giống như nhiều chuyên gia văn hóa vẫn khẳng định: Biểu tượng về tín ngưỡng của tổ tiên dân tộc ta là Đền Hùng, còn tâm thức người Việt Nam luôn được thể hiện rõ nhất trong ngày giỗ Tổ.

Ở đó, với đạo lý "cây một gốc, con một bọc" của người Việt Nam, tục giỗ Tổ Hùng Vương đã có sự tiếp biến (và phần nào hòa trộn) với tục thờ cúng tổ tiên ông bà của chúng ta, khi cộng đồng cùng hướng về một tổ tiên chung cho cả dân tộc.

***

Hẳn với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, dịp giỗ Tổ thường được nhìn nhận ở góc độ một ngày nghỉ mang tính "khởi động" của tháng 4, trước khi bước vào một kỳ nghỉ dài. Phần nào, nó giống với việc chúng ta cũng được nghỉ một ngày Tết Dương lịch, trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong dịp cuối năm.

Cách tiếp cận ấy cũng là dễ hiểu, khi đặt trong vòng quay hối hả của nhịp sống hiện đại. Ở đây, cũng nên nhắc tới một câu chuyện khác: Theo các sử liệu cũ, ngày giỗ Tổ trong nhiều thế kỷ từng được tổ chức vào mùa Thu, trước khi được chuyển sang ngày 10/3 âm lịch vào năm 1917.

Và, đã có những giả thiết cho rằng sự chuyển đổi này ít nhiều gắn với một đặc trưng của văn hóa Việt Nam: Tháng Ba âm lịch là tiết Thanh minh - tiết trời trong sáng nhất của năm và thích hợp với các nghi thức chăm sóc, dọn dẹp để mộ phần gia tiên trở nên khang trang sạch sẽ.

Bởi thế, chúng ta có thể hành hương tới Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh nếu có điều kiện, nhưng hoàn toàn cũng có thể mở một cuộc "hành hương" trong tâm tưởng và suy nghĩ, ở ngày mà mọi công dân trên toàn quốc được tạo điều kiện để nghỉ ngơi và dành trọn tâm linh, tình cảm cho Quốc tổ như vốn có trong truyền thống.

Trí Uẩn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›