Khá thú vị, ngày đầu tiên của tuần mới này lại trùng với ngày Quốc tế Hạnh phúc, 20/3. Xa hơn, đây cũng là cột mốc tròn 10 năm kể từ khi ngày Quốc tế hạnh phúc được tổ chức lần đầu trên thế giới (2013).
Bỏ qua những vấn đề về diễn ngôn, có thể thấy việc cả nhân loại chọn ra một ngày Quốc tế Hạnh phúc không chỉ là hành động mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần. Nó gắn với điều mà chúng ta quan tâm nhất trong sự tồn tại của mình: Làm sao để tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống?
Thẳng thắn, từ vô thức, khái niệm "hạnh phúc" trong cuộc sống thường mặc định được phụ thuộc vào sự giàu có, đầy đủ trong cuộc sống của mỗi người. Và, khi nói rằng mình hạnh phúc, trong bối cảnh còn thua hụt tương đối về sự giàu có so với những người xung quanh, hẳn nhiên chúng ta sẽ tự thấy có chút tự ti trong lời khẳng định.
Nhưng ở góc độ ngược lại, ai cũng biết: Hạnh phúc của mỗi người không thể chỉ giới hạn trong sự cân đong đo đếm về chuyện giàu nghèo. Giống như, khi ngày Quốc tế Hạnh phúc ra đời trên thế giới, người ta đã khẳng định: Những chỉ số về GDP hay thu nhập bình quân theo đầu người góp phần tạo nên hạnh phúc, chứ không phải là quyết định.
Bhutan, quốc gia đi đầu trong việc khởi xướng thành lập ngày Quốc tế Hạnh phúc 10 năm trước, là điển hình cho câu chuyện ấy. Không vượt trội về kinh tế, đất nước này lại xây dựng dựng bộ chỉ số GNH làm thước đo hạnh phúc của một quốc gia. Ở đó, ngoài khía cạnh kinh tế, GNH còn liên quan rất nhiều câu chuyện về sức khỏe tinh thần, môi trường, khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế hay an sinh xã hội.
Bỏ qua những tranh cãi về danh xưng "Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" mà Bhutan đang sở hữu, rõ ràng đó vẫn là cách tiếp cận thú vị về triết lý bền vững mà nhân loại từng nói tới rất nhiều: Xã hội phải được xây dựng trên nền tảng của sự hài hòa giữa vật chất và tinh thần, kinh tế và văn hóa, thậm chí là sự cân bằng giữa hiện đại và tự nhiên…
***
Với Việt Nam, kể từ khi hưởng ứng và kỉ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc vào năm 2014, chúng ta cũng đã bắt đầu biết tới khái niệm "chỉ số hạnh phúc" theo cách tiếp cận trên.
Và dù rằng khái niệm ấy trong suy nghĩ nhiều người vẫn bị xếp sau những thông số của nền kinh tế, thì có một thực tế cũng không thể phủ nhận: Cùng với sự đi lên về nhận thức chung, chúng ta cũng ngày càng chú ý tới những thứ giản dị và thiết thực ở cuộc sống quanh mình, thay vì chỉ có chuyện giàu - nghèo.
Đó là những vấn đề về môi trường, về văn hóa truyền thống, về khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của những nhóm đối tượng thiệt thòi… hay thậm chí là an sinh xã hội ở những khu vực chưa phát triển. Rồi nữa, trong vòng quay của xã hội hiện đại, chúng ta cũng đã ngày càng chú ý với vai trò quan trọng của hạnh phúc gia đình, của sức khỏe tâm lý cá nhân, của niềm vui được theo đuổi công việc mình yêu thích để cống hiến cho xã hội.
Ở đó, có những vấn đề thuộc về tầm vĩ mô và đòi hỏi giải pháp tổng thể - và cũng có cả những vấn đề thuộc về mỗi cá nhân hay mỗi gia đình. Có nghĩa, trong khi chờ đợi xã hội có thêm những bước đi - bao gồm cả sự minh bạch, rõ ràng - để đo đếm chính xác và nâng cao "chỉ số hạnh phúc", thì bản thân mỗi người cũng có thể tự thân tiếp cận nó phần nào, từ sự lựa chọn và nỗ lực trong cách sống.
Bởi xét cho cùng, dù có nhiều lời đáp cho câu hỏi "Hạnh phúc là gì", chúng ta đều biết: Đó vẫn là thứ mà mỗi người tự tìm kiếm và giữ gìn, trước khi đòi hỏi sự ban phát hay tưởng thưởng từ xã hội.
Tags