(Thethaovanhoa.vn) - Một chuyến bay đặc biệt trên hành trình Hà Nội - TP.HCM đã được thực hiện vào tuần qua, khi hãng Vietnam Airlines bố trí riêng một chiếc máy bay Boeing 787-9 chỉ để chở vải thiều từ Bắc Giang tới tay người tiêu dùng vào chiều 8/6.
Đây là lần đầu tiên, thay vì chất xếp trong khoang hàng hóa, quả vải được “ngồi ghế” hành khách để vận chuyển tới thị trường tiêu thụ phía Nam. Cùng với đó, khoảng 60 tấn vải khác cũng được bố trí trên nhiều chuyến bay khác của Vietnam Airlines tới TP.HCM trong ngày.
Trước đây, những câu chuyện như thế này rất dễ bị/được gọi là “giải cứu vải thiều bằng máy bay”. Nhưng đó là cách nghĩ một chiều, còn lần này, câu chuyện của vải thiều có những điểm rất khác, và việc sử dụng từ “giải cứu” quả là không phù hợp.
Bởi, như phân tích của nhiều chuyên gia, hành trình vừa qua cũng có thể gọi vui là… một trong những cách “giải cứu” cho những máy bay đang phải nằm sân la liệt trong mùa dịch. Theo thống kê của trang Planespotters, hơn một nửa đội bay của các hãng trong nước đang phải “ngủ đông” vì thiếu vắng hành khách trong thời điểm này.
Như thế, việc sử dụng máy bay vào mục đích chuyên chở hàng hóa tươi sống ít nhiều cũng là một giải pháp hợp lý ở bối cảnh hiện tại. Và đây cũng là điều đang diễn ra tại khá nhiều hãng hãng không trên thế giới, khi việc chở hàng hóa được tăng cường trong thời điểm lượng khách sụt giảm. Gần nhất, hãng hàng không giá rẻ Air Asia cũng vừa ra mắt Ourfarm, ứng dụng bán rau quả tươi dựa trên sự kết nối giữa năng lực vận chuyển, thanh toán của hãng với các phía cung cấp và tiêu thụ.
Và đáng nói hơn, giải pháp theo tính chất win - win này còn diễn ra trong bối cảnh tỉnh Bắc Giang đang làm hết sức để... nói không với 2 chữ “giải cứu”. Từ 2 tuần trước, địa phương này cũng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan đề nghị không dùng từ "giải cứu" trong các tin, bài, phóng sự… khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng tại đây.
Như những gì được chia sẻ kèm theo đó, vải thiều của Bắc Giang hiện tiêu thụ rất tốt, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt - trong đó có những thị trường khó tính, khắt khe nhất như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu . Do vậy, việc dùng từ "giải cứu" là không phù hợp - và thực tế đã gây ít nhiều ảnh hưởng tới giá bán của loại quả này.
***
Nhìn lại, trong những năm gần đây, chúng ta đã nói quá nhiều về việc lạm dụng khái niệm“giải cứu nông sản”. Bên cạnh sự thiếu bền vững của một giải pháp mang tính chất ngắn hạn, đó còn là thực trạng của một thị trường đang được định hướng theo cách cảm tính, thậm chí là sai lầm.
- Bắc Giang: Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều với 30 điểm cầu trong nước và quốc tế
- Gần 10 tấn vải thiều Bắc Giang xuất hành sang Nhật Bản bằng đường hàng không
- Vải thiều Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao
Bởi, trong suy nghĩ mặc định của mỗi người, “giải cứu: Ở đây gắn với câu chuyện cung vượt quá cầu, khiến sản phẩm tồn đọng, không thể được thị trường hấp thụ và cần được toàn xã hội chung tay... mua giúp. Trong khi đó, với rất nhiều loại nông sản, câu chuyện lại chỉ nằm ở những bất cập về hệ thống vận chuyển, phân phối, để chúng được đưa tới người dùng một cách nhanh, nhiều - và nếu có thể, rẻ nhất về giá vận chuyển.
Sẽ không sai, nếu nói rằng khi lạm dụng ý tưởng “giải cứu”, chúng ta có thể vô tình hạ thấp giá trị của nông sản tại một số địa phương, mà trường hợp quả vải ở Bắc Giang là điển hình. Và thay vì kêu gọi hỗ trợ ở góc độ “tình thương”, nông sản cần tới những phương án mang tính khoa học và đồng bộ, mà những kiện vải “ngồi máy bay” có thể là bước đi đầu tiên.
Đúng là bước đi đầu tiên, bởi đó còn là một câu chuyện rất dài về sự đồng bộ giữa doanh nghiệp với người nông dân hay giữa hệ thống phân phối và mạng lưới vận chuyển nông sản khi vào vụ, nếu chúng ta muốn nâng niu và tạo ra những giá trị nhiều hơn cho nông sản Việt.
Trí Uẩn
Tags