(Thethaovanhoa.vn) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu. Giờ đây, sự ảnh hưởng bắt đầu len lỏi vào trong các gia đình lao động nghèo, thấy rõ nhất chính là công ăn việc làm ngày càng giảm…
Làm thế nào để thích nghi? Có lẽ rất cần phải có những kỹ năng về tài chính để biết cách chi tiêu hợp lý. Vậy kỹ năng này học ở đâu?
Trên thị trường sách báo, nhiều năm gần đây xuất hiện rất nhiều những cuốn sách hướng dẫn, tư vấn về tài chính cá nhân. Nhưng sách về chủ đề này dành cho con trẻ thì không có nhiều. Mới đây, NXB Tổng hợp TP.HCM đã cho ra mắt bộ tác phẩm Dạy con tài chính của Tiến sĩ tâm lý học Lê Thị Linh Trang và tác giả Ngô Thị Thanh Tiên. Đây là bộ sách dạy kỹ năng cho trẻ về tài chính...
Tiền bạc là một chủ đề rất nhạy cảm, nên cho trẻ tiếp xúc với tiền từ bé hay là đợi đến khi lớn? Với lứa tuổi chúng tôi, cái thời kỳ niên thiếu khó khăn, mặt bằng kinh tế không có sự chênh lệch nhiều cho nên cơ hội tiếp xúc với tiền rất ít. Thông thường chỉ vào dịp Tết, khi mà được người lớn mừng tuổi thì mới có được vài đồng bạc lẻ để mua đồ chơi, mua sách truyện hoặc là ăn quà vặt...
Những công việc liên quan đến tiền khi đi học ít lắm. Ngoài đóng học phí cho trường, còn giúp đỡ bạn bè khó khăn trong lớp thì thường là vật chất sẵn có. Kiểu như giúp bạn cuốn vở, cây bút, tấm áo còn tốt… Đánh giá khách quan thì đúng là chúng tôi không được học kiến thức gì về kỹ năng tài chính cả.
Vào đầu những năm 2000, bộ sách Dạy con làm giàu gồm 13 tập được phát hành tại Việt Nam. Đây là cuốn sách đã được đón nhận nồng nhiệt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong Lời nói đầu tập 1 cuốn sách có viết: "Hầu hết chúng ta học cách xử lý tiền bạc từ cha mẹ mình và thường thì người nghèo không dạy con về tiền bạc mà chỉ nói đơn giản là “hãy đến trường và học chăm chỉ”. Và rồi, đứa trẻ có thể sẽ tốt nghiệp với một số điểm xuất sắc nhưng với một đầu óc nghèo nàn về cách quản lý tiền bạc, vì trường học không dạy về chuyện tiền nong mà chỉ tập trung vào việc giáo dục sách vở và những kỹ năng nghề nghiệp mà không nói gì về kỹ năng tài chính”.
Cũng ngay trong Chương 3 của tập 1, Robert Kiyosaki - tác giả cuốn sách đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao phải dạy con về tài chính? Và ông giải thích: “Hầu hết mọi người không nhận ra rằng, trong cuộc sống, vấn đề không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền và là cho nó sinh sôi nảy nở như thế nào”. Cái đó gọi là năng lực tài chính. Điều này, quan sát thực tế trong cuộc sống, cá nhân tôi thừa nhận là rất chính xác.
Trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 4 đã có khả năng nắm bắt những khái niệm cơ bản về tiền và đến năm 7 tuổi đã hình thành những ý niệm liên quan đến hành vi tài chính trong tương lai. Do đó, việc dạy các bé những kỹ năng tài chính trong giai đoạn này là cực kỳ quan trọng.
Đấy cũng là nội dung chính của bộ sách Dạy con tài chính đề cập đến. Đó là những chia sẻ thân tình của các thành viên trong gia đình khi thảo luận các vấn đề xoay quanh việc sử dụng tiền hợp lý. Phụ huynh sẽ lần lượt tìm hiểu cách hướng dẫn bé sử dụng tiền lì xì thế nào cho phù hợp, dạy bé sử dụng tiền mặt, đến việc giải thích cho bé hiểu việc nhà là để chia sẻ, không phải để kiếm tiền, hay như giúp các bé biết được kiếm tiền chân chính là tốt nhưng việc học vẫn là quan trọng nhất…
Qua những cuộc trò chuyện gần gũi, sâu sắc, và dễ thương, ba mẹ sẽ giúp các con có được những kỹ năng cơ bản như: Cách sử dụng tiền tiêu vặt hợp lý, học cách đi siêu thị, cách chia sẻ khó khăn với các bạn khác… từ đó hỗ trợ và tư vấn cho các con những quyết định tài chính thông minh. Biết cách lập kế hoạch tài chính cho cuộc sống sau này để từ đó bắt đầu một cuộc sống tự lập.
Những buổi trao đổi, trò chuyện cũng sẽ giúp cho các em có thêm sự gần gũi, gắn kết và có lòng tin đối với cha mẹ. Biết được rõ hơn giá trị của đồng tiền mà cha mẹ vất vả kiếm được trong cuộc sống thông qua các công việc mưu sinh. Hiểu được những điều này sẽ giúp bé có thái độ đúng đắn về tiền bạc, có tính kỷ luật khi chi tiêu, sống có trách nhiệm và biết chia sẻ với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Lợi ích và thiết thực như thế, vậy tại sao chúng ta lại không “Dạy con tài chính” ngay từ bây giờ?!
Xuân An
Tags