Xin nói rõ, "tình yêu Hà Nội" ở đây không chỉ gắn với giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái mà báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) vừa tổ chức trao giải vào cuối tuần qua. Đó còn là một loạt các hoạt động văn hóa vừa được tổ chức trong một tuần lễ đặc biệt của Hà Nội, để chào mừng kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, 10/10.
Đơn cử, có thể kể tới các cuộc triển lãm tư liệu về Hà Nội mang tên Thành xưa phố cũ, hoặc Hồ Gươm - Giao lộ Đông Tây. Rồi, đó còn là Hội sách Hà Nội lần thứ VIII với chủ đề Thắp lửa tri thức - Kiến tạo tương lai.
Và với mỗi sự kiện ấy, chúng ta lại thấy những khía cạnh khác nhau về bề dày văn hóa mà Hà Nội mang theo, cũng như những tiềm năng để phát triển các hoạt động sáng tạo của thành phố.
Chẳng hạn, với triển lãm Thành xưa phố cũ do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phối hợp tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, qua gần 150 tư liệu được trưng bày, người xem gặp lại một Hà Nội cuối thế kỷ 19 - khi đô thị truyền thống kiểu Á Đông này đang dần biến đổi và giao hòa với hệ kiến trúc kiểu phương Tây mới mọc lên từ những công trình hiện đại. Ở đó, những câu chuyện về hệ thống cổng phố cũ từng hiện diện tại khu 36 phố phường, về những biến đổi theo thời gian quanh kiến trúc, công năng của ga Hàng Cỏ và Cột Cờ Hà Nội…, đủ sức khiến người xem bị hấp dẫn trước một bộ mặt khác của thành phố trong quá khứ.
Hoặc, dù từng được tổ chức trực tuyến trong dịp dịch Covid-19 diễn ra, triển lãm Hồ Gươm - Giao lộ Đông Tây (cũng của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) vẫn thu hút rất đông người xem, trước những thông tin về vị trí, dấu ấn và những đổi thay của Hồ Gươm trong lịch sử. Như chia sẻ của một số du khách, đó không chỉ là câu chuyện của ký ức, mà còn mở ra cả một khái niệm về "văn hóa Hồ Gươm" gắn với bộ mặt của Hà Nội trong suốt cả trăm năm qua.
Rồi chính không gian tại phố đi bộ Hồ Gươm cuối tuần qua cũng là nơi diễn ra Hội sách Hà Nội lần thứ VIII, với hơn 30 đơn vị xuất bản. Bên cạnh sự nhộn nhịp thường thấy của một hội chợ sách, cách nó được tổ chức một lần nữa cho thấy tính thích ứng đặc thù của khu vực Hồ Gươm - nơi gần như có thể tổ chức mọi hoạt động nghệ thuật và triển lãm với hàm lượng văn hóa cao…
***
Như thế, những gì diễn ra gắn với một thực tế: Theo thời gian, dòng chảy văn hóa của Hà Nội vẫn mặc nhiên được nối dài. Nhìn rộng hơn, rõ ràng dòng chảy ấy đã bắt đầu ngay khi Hà Nội được hình thành từ cách đây hơn 10 thế kỷ, với nỗ lực từ cộng đồng. Bởi, chẳng đô thị nào trên thế giới chỉ trông đợi vào những gì tạo hóa ban cho để làm nên chiều sâu giá trị của nó.
Chỉ riêng hành trang di sản mà thành phố mang theo đã đủ là chất liệu cho vô vàn sáng tạo mới với những giá trị không chỉ về văn hóa mà hoàn toàn có thể quy đổi ra kinh tế, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang lấy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo làm lĩnh vực phát triển trọng tâm.
Và ở hướng ngược lại, cũng cần nhắc lại một thông điệp đã từng được khẳng định nhiều lần qua giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội: Không phải ai trong chúng ta đều có thể trở thành nhà nghiên cứu hoặc văn nghệ sĩ, hoặc nhà quản lý để có những đóng góp vĩ mô cho Hà Nội. Nhưng, bất kỳ người bình thường nào cũng có thể cống hiến cho thành phố mình đang sống bằng nề nếp, cách ứng xử, sự nhiệt tình, tử tế.
Hãy cùng đón ngày 10/10 của Hà Nội, với động lực và tinh thần ấy.
Tags