Chào tuần mới: 'Dư vị' giao thừa

Thứ Năm, 15/02/2024 08:21 GMT+7

Google News

Gần một tuần trước, chúng ta đang hồ hởi chuẩn bị đón giao thừa và bước vào cái Tết Nguyên đán cổ truyền. Để rồi, dư âm từ thời khắc đặc biệt ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người trong những ngày đầu năm mới.

Một trong những dư âm đó là lễ hội ánh sáng nghệ thuật vào tối 30 Tết tại Hà Nội. Những hình ảnh, clip và những dòng chia sẻ cảm xúc về lễ hội này đã tràn ngập mạng xã hội suốt những ngày nay.

Đây là lần đầu tiên, bên cạnh những màn pháo hoa truyền thống, Hà Nội tổ chức phần trình diễn ánh sáng có quy mô rất lớn trong đêm giao thừa.

Chào tuần mới: 'Dư vị' giao thừa - Ảnh 1.

“Lễ hội Ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” là tác phẩm ánh sáng nghệ thuật độc đáo nhất với những câu chuyện, hình ảnh đẹp về hình tượng Rồng. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Cụ thể, với tên gọi "Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long", lượng drone (thiết bị bay tự động) được lập trình sử dụng cho chương trình lên tới con số 2024 chiếc và được ghi nhận là màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật có lượng drone tham gia nhiều nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm này.

Nhưng chỉ mỗi con số kỉ lục ấy chưa đủ để tạo nên sức hấp dẫn của màn trình diễn. Điều đáng nói, màn trình diễn có chủ đề "Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử" vào đêm giao thừa Tết Giáp Thìn vừa qua lại mang đậm những yếu tố của văn hóa - lịch sử Việt Nam, kể từ khâu tạo hình cho tới phần nhạc nền được phối lại từ âm nhạc truyền thống.

Chào tuần mới: 'Dư vị' giao thừa - Ảnh 2.

2.024 thiết bị bay không người lái (drones) mang tên gọi “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Ở đó, với góc nhìn trên bầu trời và phản chiếu dưới mặt Hồ Tây, người xem được chiêm ngưỡng một bữa tiệc ánh sáng đặc biệt do các drone ghép thành. Tại đó, lần lượt, 11 tác phẩm chính xuất hiện trong buổi trình diễn là 11 lần những biểu tượng văn hóa của Hà Nội và Việt Nam được tái hiện.

Đó là những con rồng thời Lý thể hiện khí thế và khát vọng của dân tộc, là Lý Công Uẩn với Chiếu dời đô, là Hoàng thành Thăng Long, chùa Trấn Quốc, Khuê Văn Các, là Hồ Gươm và chùa Một Cột…

***

Chỉ vài phút sau khi xuất hiện, những hình ảnh về màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng trong đêm giao thừa đã lập tức lan tỏa trên không gian mạng với hàng triệu lượt xem và để lại ấn tượng lớn cho cộng đồng về một thời khắc giao thừa đáng nhớ.

Chào tuần mới: 'Dư vị' giao thừa - Ảnh 3.

Người dân ghi lại khoảnh khắc của màn trình diễn. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Xa hơn, những gì vừa diễn ra cũng là một chỉ số tích cực cho hướng tiếp cận từng được chúng ta nhắc tới nhiều năm qua: Sử dụng hợp lý những giải pháp công nghệ để khai thác tiềm năng vô tận từ vốn di sản văn hóa truyền thống.

Từ những video tự động và hệ thống thuyết minh tại các bảo tàng, từ công nghệ 3D mapping để tạo nên những diện mạo mới trong không gian của Văn Miếu hay Hoàng thành Thăng Long, đến giờ, chúng ta lại chứng kiến thêm những tiềm năng mà công nghệ drone có thể mở ra với những biểu tượng văn hóa quen thuộc trong tâm trí mỗi người.

Nó giống như một lý thuyết đã được khẳng định: Khi được "tái cấu trúc" và ứng dụng vào nghệ thuật đương đại, những chất liệu văn hóa truyền thống sẽ góp phần phát triển một không gian mới về tính nhân văn và cảm xúc của cộng đồng. Đồng thời, điều này lại càng có ý nghĩa trong bối cảnh hội nhập, với việc yếu tố bản sắc và căn cốt văn hóa đang ngày càng được đặt ra như một vấn đề tối quan trọng.

Và vượt lên câu chuyện của màn trình diễn chào Xuân, "dư vị" từ phút giao thừa vừa qua cũng là những gợi mở tích cực đầu năm mới cho chúng ta, về sự đa dạng cũng như những tiềm năng mà công nghiệp văn hóa Việt Nam có thể nhận về.

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›