Cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa bầu chọn bộ quốc phục chính thức. Dù vậy, chiếc áo dài ngày nay trong mắt du khách quốc tế vẫn được xem là bộ trang phục đặc trưng của người Việt Nam.
Giống như hanbok hoặc kimono, từ "ao dai" trong tiếng Anh đã trở thành danh từ riêng, không cần dịch.
Từ năm 2014, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức Lễ hội Áo dài TP.HCM vào tháng 3 hàng năm.
Năm 2023, lễ hội lần thứ 9 với chủ đề Tôi yêu áo dài Việt Nam sẽ diễn ra trong suốt tháng 3 với nhiều hoạt động nghệ thuật, cuộc thi nằm tôn vinh chiếc áo dài.
Điều đáng chú ý là trong khuôn khổ của lễ hội năm nay còn có cuộc thi Duyên dáng áo dài TP.HCM. Dù là cuộc thi do thành phố tổ chức, nhưng với đối tượng dự thi khá rộng, có thể thấy quy mô không hề nhỏ.
Theo thể lệ của ban tổ chức, "khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan TP.HCM trong dịp tháng 3/2023" cũng có thể tham dự. Đây là cơ hội tốt để hai tiếng "ao dai" khắc sâu hơn trong tâm trí bạn bè quốc tế, nhắc nhớ với các bạn trẻ người Việt vừa đến tuổi mặc áo dài.
Thiết nghĩ, ở các mùa lễ hội áo dài trong tương lai, thành phố có thể nghiên cứu để tổ chức bên cạnh "Bảng A" dành cho cá nhân và "Bảng B" dành cho tập thể, sẽ có thêm một "Bảng C" dành riêng cho du khách nước ngoài.
Hoặc trong tháng 3, trên tinh thần quốc tế phụ nữ, có thể truyền thống, khuyến khích du khách đến thành phố vào dịp này mặc áo dài dạo phố, biến tháng 3 thành tháng lễ hội tràn ngập những sắc màu, kiểu dáng áo dài trên đường phố. Có thể áp dụng chính sách khuyến mãi, giảm giá vào cửa cho khách nước ngoài mặc áo dài. Kết hợp truyền thông quốc tế song song với truyền thông nội địa, viết nên những câu chuyện chân thực, lôi cuốn. Để làm sao tình yêu áo dài phải lan tỏa được trong giới trẻ.
Còn nhớ cách đây không lâu, giới trẻ Trung Quốc lên "cơn sốt" với trào lưu mặc Hán phục. Những trang phục vốn chỉ thấy trên các phim cổ trang, kiếm hiệp, lại xuất hiện trên đường phố giữa thế kỷ 21, được nhiều người ưa thích.
Chính người trẻ, bằng sự năng động, táo bạo, cũng như nắm bắt công nghệ, biết tự giới thiệu bản thân và ngày càng rút ngắn khoảng cách với bạn bè quốc tế, sẽ là những "đại sứ" năng nổ trong việc quảng bá áo dài ra thế giới.
Từ chiếc áo "ngũ thân thập lĩnh" ở thế kỷ 18, đến kiểu cách "tân thời" dưới bàn tay của các họa sĩ như Le Mur Nguyễn Cát Tường, Lê Phổ…, chiếc áo dài đã trở thành trang phục của toàn dân. Tuy tùy vào điều kiện kinh tế mà chất liệu may áo dài khác nhau, nhưng chiếc áo dài không phân chia vùng miền, địa vị. Chiếc áo này mặc ở lễ, ở hội, ở công sở, ở công viên… đều phù hợp.
Một tháng lễ hội áo dài được tổ chức, không nhiều không ít, nhưng nếu làm hiệu quả, một lần nữa, sẽ giúp chiếc áo diệu kỳ này có thêm bước chinh phục những "tín đồ thời trang" mới của nó.
Tags