(Thethaovanhoa.vn) - Không phải ngẫu nhiên khi PGS-TS Nguyễn Kim Sơn được bầu làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, rất nhiều bạn bè trên Facebook của tôi thể hiện sự vui mừng, lạc quan và hy vọng.
Nhiều trong số họ đã từng là sinh viên của ông Sơn và gọi ông là “thầy” với một sự kính trọng và yêu mến thật sự. Nhưng có một cảm giác khác, rất khách quan, toát lên từ những người “trung lập” khác: Họ đã chờ đợi một gương mặt mới làm người lãnh đạo ngành này từ lâu, họ khao khát những sự thay đổi, họ muốn những làn gió mới, những tư tưởng mới, chỉ đạo mới. Và họ viết những lời tâm huyết gửi cho ông, mong ông lắng nghe và hy vọng có thể thực hiện.
Chẳng hạn, có tiến sĩ đã mong ông phải có cái nhìn dài hạn, phải chú ý giải quyết những vấn đề đã nổi cộm trong ngành giáo dục từ nhiều năm qua, từ bạo lực học đường, lương giáo viên, đến sách giáo khoa… Có nhà báo thẳng thừng nói rằng, hãy nhìn vào thực trạng của giáo dục và triệt tiêu bệnh thành tích thay vì thứ hạng Pisa hay vài cá nhân xuất sắc.
Cũng có những ý kiến khẳng định nếu Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến yếu tố “nhân bản”, coi nó như một triết lý giáo dục của mình, thì cần phải hướng nền giáo dục ấy đến sự hiện đại, khai phóng và khuyến khích thể hiện cái tôi cá nhân của học sinh…
Rất nhiều những ý kiến như thế, có ý kiến được đăng báo, có những quan điểm được thể hiện trên Facebook, nó tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội những ngày qua.
Không thiết tha với con người, không đau đáu cho nền giáo dục mấy chục năm qua sẽ không những lời gan ruột ấy gửi ông Sơn. Sự kỳ vọng ấy chính là một bước khởi đầu ấn tượng đối với tân Bộ trưởng, người có nụ cười rất dễ mến, nhưng cũng là một áp lực vô cùng lớn đối với ông. Bởi ở Việt Nam, làm giáo dục cũng giống như đi “đánh trận”, có người đã đến trong háo hức, cùng những lời hứa hẹn, và rồi ra đi trong tiếc nuối, thất vọng.
5 năm sau, hết nhiệm kỳ này, việc chúng ta sẽ đánh giá và “cho điểm” ông thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào những gì ông làm trên ghế Bộ trưởng. Có điều, một người làm giáo dục từng nói với tôi rằng, Bộ trưởng cũng giống như các cầu thủ trong một đội bóng. Đội bóng ấy có chơi hay hay không và cầu thủ ấy có đá tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, như hệ thống thi đấu và sự phối hợp của nhiều phía…
Trong “đội bóng” ấy, vai trò của những người thầy rất quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi nhận nhiệm vụ “tư lệnh” ngành, tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gửi thư tới các thầy cô giáo, công chức viên chức, người lao động trong ngành giáo dục. Trong thư, ông nhấn mạnh:
“Chúng ta sẽ cùng nhau chung sức, tập hợp trí tuệ, đồng tâm hiệp lực để làm cho giáo dục ngày càng tốt thêm lên. Việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người thầy, đổi mới phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, căn cứ từ thực tiễn, giải những bài toán từ thực tiễn để chất lượng giáo dục ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay theo một định hướng mang tính chiến lược”.
Giáo dục không chỉ là nhiệm vụ của Bộ trưởng cùng các cấp quản lý, của các thầy cô trong nhà trường mà còn là của các gia đình và của toàn xã hội. Sự đồng thuận từ các thầy cô trong nhà trường cần lan tỏa tiếp tới các gia đình và dư luận xã hội.
Đấy là một thách thức lớn không chỉ với riêng Bộ trưởng Sơn mà còn cả hệ thống giáo dục. Một nhiệm kỳ của ông có lẽ không đủ để xử lý hết những vấn đề nan giải của nền giáo dục này. Nhưng người ta mong mỏi ông bắt tay vào càng sớm càng tốt. Trong bức thư trên, chính vị “tư lệnh” ngành cũng đã gửi lời “hiệu triệu” tới những người thầy trong nhà trường:
“Chúng ta cùng chung tay ngay bây giờ, từ lúc này. Trồng người là vì cả trăm năm, chúng ta ươm tạo những trái ngọt cho mai sau, nhưng ngay ngày hôm nay, cả chúng ta và xã hội đã phải nhìn thấy những cây chắc khỏe và cành lá xanh tươi".
Mong lắm, Bộ trưởng ơi…
Anh Ngọc
Tags