Chỉ dài tầm 100 mét, với vị trí sâu nhất chừng 1 mét, vậy nhưng đoạn ngập xuất hiện trên đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cuối tuần qua đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Như những gì được ghi lại, đoạn đường bị ngập này (thuộc khu vực huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) xuất hiện vào sáng 29/7 và tồn tại trong khoảng 5 giờ đồng hồ, sau đợt mưa kéo dài. Nước ngập, khiến hàng trăm xe ô tô không dám chạy qua, phải dừng đỗ và gây ùn tắc lớn tại đây.
Với những giả thiết ban đầu, đoạn cao tốc bị ngập có dạng lòng chảo (trũng xuống phía dưới so với đồi cao 2 bên đường). Khi mưa lớn về vùng trũng này, nhiều khả năng hệ thống thoát nước tại vị trí ngập không đáp ứng kịp yêu cầu lưu thông, dẫn tới tình trạng ùn ứ gây ngập cục bộ.
Ở thời điểm hiện tại, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đang yêu cầu các bên liên quan đánh giá nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục sự việc này(đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan). Thế nhưng, câu chuyện chưa thể dừng ở đó, trước sự quan tâm của cộng đồng.
Bởi, dù là "đặc sản" ở khá nhiều đô thị, đây vẫn gần như là lần đầu tiên chuyện ngập lụt xảy ra với một đoạn cao tốc tại Việt Nam.
***
Nhìn lại, nếu không kể những đoạn đường ở dạng "tiền cao tốc", trục đường cao tốc theo tiêu chuẩn hoàn thiện của chúng ta xuất hiện đầu tiên vào năm 2010 (đoạn Trung Lương - TP.HCM). Để rồi, trong 13 năm từ cột mốc ấy, hàng trăm km cao tốc khác đã lần lượt mọc lên tại Việt Nam.
Không chỉ là kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống - vốn luôn đòi hỏi mọi loại hình giao thông thuận tiện nhất và nhanh nhất - đường cao tốc trong một chừng mực nào đó cũng có thể coi là chỉ số phát triển của một nền kinh tế. Giống như, trong hình dung của chúng ta về tương lai, một Việt Nam phát triển sẽ gắn với những trục cao tốc thẳng vút ngút tầm mắt, cho phép xe cộ chạy với tốc độ cả trăm km mỗi giờ.
Như thế, chuyện ngập nước ở một đoạn đường cao tốc vừa qua không chỉ là sự cố gây trở ngại giao thông. Nó còn gắn với nỗi lo về sự hoàn hảo của một hệ thống hạ tầng hiện đại - vốn cũng đòi hỏi tính an toàn rất cao để tương ứng với vận tốc của dòng xe di chuyển.
Sẽ rất dễ để nói về trách nhiệm của các bên liên quan trong câu chuyện. Nhưng xa hơn, cần phải nhìn nhận, chúng ta cũng đang phải giải quyết những vấn đề phức tạp đang được đặt ra quanh những công trình hiện đại như cao tốc.
Đó không chỉ là những vấn đề về việc đảm bảo các tiêu chí cần có ở một tuyến đường cao tốc - trong đó bao gồm có việc thiết kế hệ thống tiêu thoát nước. Xa hơn, trong vài năm gần đây, nhiều ý kiến đã nhắc tới việc hệ thống cao tốc tại Việt Nam cần được tính toán với tầm nhìn về ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, hoặc những tác động của nó tới địa chất, địa hình và đời sống cộng đồng.
Đơn cử, theo các chuyên gia, tại các vùng đất yếu như khu vực phía Nam, đường cao tốc cần được gia cố để tránh tình trạng sụt, lún theo mỗi năm. Nhưng ở một góc độ khác, việc làm đường dựa trên nền đất đắp cao lại có thể tạo thành những con đê, làm biến đổi hướng lũ trong mùa ngập. Hoặc, tại những vùng sản xuất nông nghiệp, nếu thiếu tính toán, các tuyến đường cao tốc có thể gây ách tắc dòng chảy, bồi lấp công trình thủy lợi và gây ngập úng trên đất canh tác.
Những rủi ro tiềm ẩn ấy cần được hạn chế bằng những tính toán khoa học và nghiêm cẩn, thậm chí là bằng những giải pháp đòi hỏi mức đầu tư cao, như đề xuất làm cao tốc ở dạng cầu cạn tại những vùng đất yếu. Và như thế, dù chỉ là đoạn ngập kéo dài 100 mét, câu chuyện cuối tuần qua trên đường cao tốc vẫn nhắc chúng ta về một thực tế đơn giản: Mỗi giai đoạn phát triển của xã hội vẫn luôn đến cùng những bài toán cần tìm lời giải trong nhiều lĩnh vực.
Tags