Ở Việt Nam, hiếm có loài cây nào gây “chia rẽ nhân tâm” hơn loài hoa sữa. Dẫu có cái tên gợi hương tinh khôi, thơ ngây, hoa sữa thật không dễ chịu gì cho những người vốn không ngửi nổi mùi hương ấy, thậm chí là dị ứng phấn hoa, hoặc những cơn đau đầu, chóng mặt.
Mới đây nhất, quận Đống Đa (Hà Nội) đã xin phép dời khoảng 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh để thay thế bằng loài cây khác phù hợp hơn. Đây cũng không phải lần đầu tiên hoa sữa trên một tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội phải di dời vì mùi hương.
Vài địa phương khác cũng từng làm vậy, ví dụ cuối năm 2015, Quy Nhơn đã chặt bỏ hơn 3.000 cây hoa sữa. Cuối năm 2011, Đà Nẵng chặt bỏ hơn 1.000 cây hoa sữa. Năm 2012, Nha Trang chi 6 tỷ đồng để chặt, thay thế hơn 1.000 cây hoa sữa vì làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Còn cách đây vài năm, những cây hoa sữa trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng phải buộc dời đi trong đêm vì lý do tương tự.
Nhưng đây đâu phải lỗi của loài hoa sữa, khi chúng đã không được sống và rực rỡ với lẽ tự nhiên của mình. Tạo hóa đâu sinh ra cây cỏ hoa lá chỉ vì con người sẽ ngắm nhìn nó đâu. Vậy thì ứng xử với những cây trồng thế nào trong các đô thị cho phù hợp? Nhất là với loài cây, từ lâu, một cách không chính thức, đã tồn tại như một trong những biểu tượng gợi nhớ về Hà Nội, khiến một nhạc sĩ ở miền Nam như Trịnh Công Sơn thổn thức: “Hà Nội mùa Thu, mùa Thu Hà Nội/ mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió”.
Nhưng có lẽ không phải ai cũng thích hương hoa “thơm từng ngọn gió” như nhạc sĩ họ Trịnh, nhất là với người có chiếc mũi nhạy cảm. Nhưng nói đi thì cũng nói lại, di dời hoa sữa rồi thì sao? Loài cây mới nào sẽ được trồng để làm đẹp cảnh quan cũng như tạo không khí trong lành? Năm 2021, cũng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), những cây phong lá đỏ đã phải dời đi. Thế mới thấy, không phải cứ trồng cây vào là xong chuyện, mà phải chọn lựa cẩn thận sao cho phù hợp mọi mặt.
Mật độ, liều lượng và nồng độ phù hợp luôn luôn là điều cần thiết trong nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề. Ngay như nước hoa thôi, nếu quá nồng độ trong pha chế, sẽ trở nên hôi thối vô cùng. Cho nên, đôi khi một con phố có một cây hoa sữa thì sẽ “thơm từng ngọn gió”, mà nguyên một hàng, thì lại gây dị ứng.
Suy cho cùng, cây hoa sữa chịu cảnh “ảo não” như hôm nay, chẳng qua vì rơi vào cái thế “thái quá, bất cập”. Nếu được trồng với mật độ vừa phải, không quá tập trung, có lẽ một chút nồng nàn hoa sữa thì cũng không phải là điều gì đó quá nặng nề.
- Thu Hà Nội lãng mạn với hoa sữa
- Hoa sữa có còn… ngọt ngào?
- Chào tuần mới: Lắng nghe hoa sữa, nghe 'mẹ thiên nhiên'
Ứng xử với cây cối, đặc biệt là loài cây hiện diện như một nét đặc trưng, càng phải thận trong hơn. Gần mười năm trước, nước Pháp từng đau lòng và đau đầu khi phải đốn hàng chục ngàn cây tiêu huyền, chỉ vì có ý kiến sợ xe ô tô đâm vào các thân cây bên đường, trong khi chính tiêu huyền làm nên vẻ đẹp của kênh đào Canal du Midi, từ năm 1996, UNESCO đã công nhận là di sản thế giới.
Dĩ nhiên tiêu huyền là tiêu huyền, hoa sữa là hoa sữa, mỗi loài cây sẽ đem lại những ích lợi khác nhau về mặt cảnh quan. Mỗi loài cây đều để lại những dấu ấn khác nhau trong ký ức của mỗi người.
Giờ ta sẽ tự hỏi tại sao hoa sữa lại trở thành hình ảnh thân thương của phố phường Hà Nội? Việc hôm nay có những ý kiến về mùi hoa, có người dân dị ứng với phấn hoa, không có nghĩa là ta sẽ quên giống hoa báo mùa đã đi vào thơ nhạc và ký ức, như bài thơ “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách, có đoạn: “Chỉ mùa Thu còn trọn vẹn yêu thương/ Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ/ Hương của tình yêu đầu nhắc nhở/ Có hai người xưa đã yêu nhau”.
An Kha
Tags