Tháng Tư bắt đầu bằng "ngày nói dối", theo lệ của Tây phương. Nhưng "cá tháng Tư" ngày nay không còn xa lạ với chúng ta, với những trò đùa, lời nói dối vô hại.
Nhưng nghĩ về ngày đầu tháng Tư, ta nhìn lại trong tháng Ba vừa qua không hiếm lần những chiêu trò lừa đảo cũng được tung ra, gây bất an nhân dân.
Những cú điện thoại lừa "con đang cấp cứu", "cha mẹ gặp tai nạn" đã làm cho không ít phụ huynh, cũng như học sinh, nhà trường dính bẫy. Hoặc những tin nhắn, cuộc gọi lừa mượn tiền, chuyển khoản không còn hi hữu.
Mọi người đã cảnh giác hơn, muốn mượn tiền thì phải gọi video trực tiếp… Vậy mà cách đó, giờ đây có lẽ không còn mấy hiệu quả nữa. Bằng công nghệ Deepfake, không khó để tạo ra một khuôn mặt giả cho các cuộc gọi video, giả từ khuôn mặt đã đành, có thể giả luôn cả giọng nói, đừng nói bạn bè, cả người thân cũng chưa chắc nhận ra được.
Ai cũng có thể là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo qua điện thoại. Qua các trường hợp phản ánh trên báo chí, ta thấy nạn nhân có thể là giám đốc công ty, giáo sư, kỹ sư… Bởi cùng với sự cảnh giác ngày càng cao của người dân, thì thủ đoạn của bọn bất lương lại ngày càng tinh vi.
Đó là một cuộc chiến dai dẳng mà những công dân thuộc thời đại công nghệ thông tin phải đối mặt. Deepfake có thể được dùng để lừa tiền và không có giới hạn nào để người ta cố tình dùng Deepfake để "chế tạo" ra những tin giả ngày càng giống như thật. Con người bị vây quanh bởi những tin giả, những tin tức bị thổi phồng, hoặc chưa kịp kiểm chứng trong cuộc chạy đua từng giây để xem ai "thạo tin" hơn. Chỉ một cú nháy "chia sẻ" là thông tin có thể lan đi, nhiều kịch bản được dựng ra, với trí tưởng tượng "phong phú", làm cho việc phòng chống trở nên khó khăn hơn gấp bội.
Trong cái biển tin giả đe dọa nhấn chìm nhiều thứ ấy, những tờ báo, những trang tin chính thống chính là những chỗ đáng tin cậy để công chúng kiểm chứng thông tin.
ThángTư bắt đầu bằng "ngày nói dối", mà trong năm thì việc "nói dối" đâu chỉ dừng lại ở một ngày, và đâu chỉ dừng lại ở sự vô hại. Nên có lẽ, thay vì chọn những lời nói dối, những trò đùa vô thưởng vô phạt, thì chúng ta có thể nghĩ về việc trao nhaunhững"lời nói dối nhân ái", như thơ Trang Thế Hy. Trong đoạn kết bài thơ "Lời nói dối nhân ái", ông cũng phải ngậm ngùi: "Tiếc thay! những lời nói dối ta phải nghe hằng ngày, lại là những lời nói dối không nhân ái".
Tags