Giữa tuần trước, hội thi hoa đào truyền thống cấp thành phố vừa được tổ chức tại bãi đá sông Hồng (Hà Nội). Đây cũng là lần đầu tiên, cuộc thi về hoa đào này được "nâng cấp" tổ chức ở cấp thành phố, sau những năm tồn tại như một nét riêng của quận Tây Hồ, Hà Nội.
Khá đông người xem đã có mặt tại sự kiện này. Cũng dễ hiểu, bởi càng vào cuối năm, chúng ta càng khó có thể hờ hững trước sắc đỏ của những cành đào. Sắc đỏ ấy chỉ tồn tại vài tuần trước và sau Tết, nhưng gắn với nó luôn là những câu chuyện thú vị.
Ai cũng biết, sắc đỏ của hoa đào vốn được coi là biểu tượng cho sự sung túc thịnh vượng, đồng thời mang thêm chút ấm áp cho mỗi căn nhà trong cái rét cuối Đông. Và bởi thế, chơi đào không chỉ là một tập tục đón Tết truyền thống. Nó còn là câu chuyện phản chiếu những lựa chọn - và cả biến đổi - trong xã hội hoặc với mỗi gia đình.
Người sung túc mua đào thế. Người ít tiền - hoặc bận rộn - mua đào cận Tết, chấp nhận những cành đã mãn khai, mở mạnh, nhưng vẫn đủ bày 3 ngày Tết trong nhà. Người chuộng lạ chọn đào rừng. Người có thời gian và kỹ tính sẵn sàng nhẩn nha khắp chợ đào cốt để "mãn mắt" trước khi mua…
Rồi theo nhu cầu và nhịp độ của xã hội, có cả dịch vụ mua bán đào online để ship tới tận nhà - thậm chí các hãng bay cũng mở dịch vụ vận chuyển đào trong dịp Tết.
Nhưng hội thi đào truyền thống vừa qua còn là một câu chuyện khác, của riêng làng đào Nhật Tân.
54 tác phẩm của 29 tác giả tại đây đều đến từ các phường Nhật Tân và Phú Thượng. Thực tế, đây vốn là vùng trồng đào nổi tiếng và lâu đời nhất Hà Nội, với tổng diện tích khoảng 150 ha và 1.000 hộ dân trồng đào. Một phần lớn diện tích này nằm tại khu vực các bãi bồi sông Hồng, vốn được người dân phát triển từ thập niên 1990 sau khi vùng trồng đào cũ bị co hẹp do đô thị hóa.
Như lời kể, đất bãi bồi màu mỡ nhưng lại khó để điều chỉnh tạo dáng nghệ thuật của cây. Do vậy, người trồng phải bồi đắp đất mới thường xuyên, đồng thời sử dụng những kỹ thuật trồng đào được truyền lại để chăm sóc cho những cây đào được như ý.
Có nghĩa, để vẫn bảo tồn, giữ thương hiệu và cung cấp một lượng đào Tết lớn cho Hà Nội, đó là nỗ lực rất lớn của người trồng đào tại Nhật Tân trong làn sóng đô thị hóa, cũng như nhu cầu ngày càng khắt khe của người dùng như hiện tại.
Thực tế, như những gì được chia sẻ, nguồn thu từ đào Tết đủ để người trồng đào tại Nhật Tân sống tốt - nhất là khi cộng đồng này nhiều năm qua còn biết cách tìm thêm nguồn thu từ việc cho thuê đào Tết, bán đào Tết online, hoặc đầu tư hạ tầng để cung cấp dịch vụ cho lượng khách đổ xô về chụp hoa đào mỗi dịp cuối năm.
Và, khi các vườn đào này là "hạt nhân"của Nhật Tân -khu du lịch cấp thành phố (vừa được Hà Nội công nhận cuối 2023), chúng ta đang nhìn thấy những tiềm năng của loại hình du lịch nông nghiệp - vốn chưa phát triển tại Việt Nam nhưng đã rất phổ biến trên thế giới…
Bởi thế, việc những cây đào bonsai, đào cổ thụ, đào thất thốn truyền thống từ 5 đến hơn 10 năm tuổi được vinh danh tại hội thi hoa đào truyền thống vừa qua không chỉ là câu chuyện về niềm tự hào của người trồng đào. Đó còn là tín hiệu tích cực về sự hỗ trợ của thành phố khi "nâng cấp" một cuộc thi truyền thống của địa phương.
Ngắm đào Nhật Tân, ngóng Tết về và cũng ngóng cả một mô hình phát triển đủ bền vững, hấp dẫn cho làng đào xưa nhất tại Hà Nội…
Tags