Những ngày gần đây, nhiều nơi kỷ niệm một năm sự kiện ChatGPT ra đời.
Nhớ lúc mới xuất hiện, ChatGPT như một "cơn bão quét qua" nhà nhà người người. Khắp cõi mạng đâu đâu cũng bàn chuyện ChatGPT, người thì kèm với nụ cười đùa, người lại trầm ngâm trước "tương lai nhân loại".
Một năm cũng là cơ hội để chúng ta bình tâm nhìn lại một hiện tượng.
Trong một năm đó, nhiều biến động đã xảy ra, chính cha đẻ của ChatGPT chắc cũng không ngờ rằng bản thân ông bị công ty sa thải khi còn chưa kịp làm "thôi nôi" cho đứa con tinh thần của mình. Rồi chính ông có lẽ cũng bất ngờ khi dưới sức ép dọa nghỉ việc của hơn 700 nhân viên, sau 5 ngày bị sa thải, ông lại được mời trở lại.
Nhìn lại, ChatGPT cũng chỉ là một gợn sóng trong vô số những gợn sóng mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang vỗ vào nền văn minh nhân loại. Thoạt đầu, trông nó có vẻ êm đềm đấy, nhưng biết đâu lại có lúc nổi cơn sóng thần?
***
Ai cũng hiểu, trí tuệ nhân tạo ra đời là để giúp đỡ nhân loại, nâng cao năng lực lao động trong nhiều ngành nghề. Nhưng riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, trí tuệ nhân tạo dường như đang nhận phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí ác cảm.
Tại kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood, cuộc chiến giữa các nhà biên kịch với trí tuệ nhân tạo đã diễn ra kịch liệt. Các họa sĩ vẫn "coi thường" những bức tranh do AI vẽ ra bằng thuật toán. Các "tác phẩm văn học" do AI viết dưới sự chỉ đạo của con người vẫn tiếp tục được xuất bản giữa những sự nghi ngại.
Cho đến nay, vẫn có một bức tường ngăn trở AI xâm nhập với lãnh địa vốn được xem là chỉ có con người thống trị, đó là nghệ thuật. Và bức tường ấy có tên "tâm hồn". Những sản phẩm do AI tạo ra vẫn bị đánh giá là "vô hồn".
Đầu tháng 12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia chủ đề "Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo của TP.HCM". Vào tháng 11, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và Công ty Meta phối hợp tổ chức Hội thảo Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023, trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra tọa đàm "Âm nhạc trong môi trường kỹ thuật số". Nhìn chung, cả hai hội thảo đều khẳng định AI không thể thay thế con người trong sáng tạo nghệ thuật.
***
Tuy vậy, mối quan hệ giữa nghệ sĩ và trí tuệ nhân tạo không phải là kẻ thù một mất một còn, mà có thể là những cộng sự đắc lực cho nhau. AI đang đóng góp nhiều hơn trong ngành công nghiệp âm nhạc. Nếu sử dụng hữu ích, AI hoàn toàn có thể giúp kết nối các nền văn hóa dễ dàng hơn, trong thời buổi ngôn ngữ vẫn là rào cảng khó xóa bỏ.
Cùng với đó, chính những người làm sáng tạo nghệ thuật cũng đang cần những định chế phù hợp để bảo vệ quyền lợi của mình, lấy đó làm cơ sở trong những tranh cãi về sở hữu trí tuệ với AI, nhiều khả năng sẽ xảy ra trong tương lai.
Trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ, ChatGPT cũng như các ứng dụng tương tự đã, đang và sẽ xuất hiện. Trên thế giới, có những nước vẫn đang cấm ChatGPT và cũng có những nước sử dụng ứng dụng này để cải thiện năng suất làm việc như chính quyền thành phố Yokosuka (Nhật Bản).
Còn nhớ, hồi đầu tháng 11 vừa qua, nước Anh đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) và đã ra tuyên bố chung khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm từ các bên có ý định phát triển công nghệ AI để đánh giá, giám sát và giảm thiểu những tác hại có thể xảy ra. Còn trước đó, tại Mỹ, Tổng thống nước này đã ký sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên về trí tuệ nhân tạo, nhằm tăng cường sự an toàn trước những rủi ro liên quan đến AI.
Tags