Chào tuần mới: Một thập niên của 'ngày sách'

Thứ Hai, 22/04/2024 06:40 GMT+7

Google News

Chúng ta bước sang một tuần mới, khi Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vừa diễn ra vào hôm qua 21/4. Hàng loạt hoạt động hưởng ứng sự kiện này đã/đang triển khai rộng rãi trên toàn quốc từ giữa tuần qua và dự kiến kéo dài tới hết tháng 5.

Cũng cần nhắc lại, năm nay là thời điểm tròn một thập niên, kể từ khi chúng ta có một ngày riêng để tôn vinh văn hóa đọc. 10 năm trước, vào tháng 2/2014, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách.

Sau 7 năm tồn tại, Ngày Sách Việt Nam đã được nâng lên một tầm mức mới, khi đổi tên thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam từ năm 2021.

Như thế, ở một chừng mực, có thể coi sự tồn tại và vận động của "ngày sách" trong một thập niên qua cũng gắn với cách mà các cơ quan quản lý - và rộng hơn là cả xã hội - cùng bày tỏ, chia sẻ nhận thức về vai trò của văn hóa đọc.

Chào tuần mới: Một thập niên của 'ngày sách' - Ảnh 1.

Học sinh tìm hiểu về sách tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Đó cũng là một thập niên mà thị trường xuất bản có những bước phát triển khá mạnh, trong khi xã hội cũng có thêm nhiều thay đổi để tác động tới thói quen đọc sách của mỗi người.

Đơn cử, trong các năm 2016 và 2017, 2 đường sách lớn đầu tiên đã lần lượt xuất hiện tại Hà Nội và TP.HCM. Để rồi, tới thời điểm này, một số đô thị trên cả nước cũng đã có những đường sách, phố sách - nơi được coi là không gian "ươm mầm" cho văn hóa đọc.

Hoặc, cùng với sự phát triển của Internet và công nghệ, 10 năm qua, người đọc sách đã rất dễ dàng để kết nối và tham gia những group gắn với sở thích đọc sách theo từng nhóm đối tượng riêng. Ngược lại, cuộc cách mạng về thương mại điện tử cũng mở ra cho lĩnh vực bán sách vô vàn cơ hội.

Rồi, cùng với sách điện tử, sách nói cũng đang có những bước đi khá cơ bản trong vài năm gần đây để mở ra cho người đọc cơ hội tiếp cận sách một cách nhanh - nhiều - tốt - rẻ, còn phía xuất bản cũng bắt đầu khai phá thị trường tiềm năng này.

Chào tuần mới: Một thập niên của 'ngày sách' - Ảnh 2.

Sách về biển, đảo Việt Nam thu hút đông đảo bạn đọc. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Thậm chí, với Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay, một trong 4 thông điệp được ngành quản lý đưa ra là "Tặng sách hay - Mua sách thật" cũng gợi mở một thực tế: Dù chưa thật phát triển, những "túi quà sách" do các đơn vị xuất bản đưa ra đã bắt đầu nhận về sự chú ý từ những người muốn tìm một món quà tặng giàu tính văn hóa.

Nhất là khi, với sự ra đời của những dòng sách phiên bản đặc biệt hoặc sách có tính thẩm mỹ cao, nhiều độc giả cũng đã hướng tới chuyện sưu tập hoặc trưng bày sách, bên cạnh việc giải quyết nhu cầu đọc của mình…

***

Ai cũng biết, từ nhiều lý do, chúng ta đã đi chậm hơn nhiều nước trên thế giới về việc phát triển văn hóa đọc. Và, hành trình xóa bỏ khoảng trống ấy sẽ rất dài để đạt tới những hiệu quả rõ ràng.

10 năm phát triển vừa qua của thị trường xuất bản, cũng như việc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức với các hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, là tín hiệu tích cực. Nhưng chắc chắn, đó mới chỉ là một bước đi trên con đường ấy.

Giống như đọc sách không thể là câu chuyện chỉ diễn ra một vài ngày trong cuộc đời, việc khuyến đọc và phát triển văn hóa đọc sẽ phải là một hành trình thường xuyên, bền bỉ, có chiều sâu. Hãy cứ hy vọng, những chuỗi "ngày sách" mỗi năm sẽ là dịp để nhen lên tình yêu sách và thói quen tiếp nhận tri thức từ văn hóa đọc của cả cộng đồng. Như Anton Chekhov từng viết: Đứng trước cuốn sách hay, tất cả mọi thứ đều trở nên mờ nhạt.

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›