Chúng ta chào đón tuần mới này bằng một tin vui đặc biệt: Việt Nam vừa chính thức sở hữu thêm 2 di sản tư liệu thế giới. Đó là "Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng" và "Văn bản Hán-Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)", vừa được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 26/11 vừa qua.
Như vậy, kể từ trường hợp của Mộc bản triều Nguyễn năm 2009, đến nay Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Đó là thành tích đáng kể, nếu xét tới việc loại hình này được chúng ta tiếp cận và khai thác muộn nhất so với các loại hình di sản khác.
Đáng nói hơn, chặng đường 13 năm ấy cũng là quãng thời gian mà giá trị của loại hình di sản tư liệu được nâng cao trong nhận thức chung. Nếu trước đó, chúng ta còn có phần xa lạ - thậm chí là dè dặt - với khái niệm này thì giờ đây, rất nhiều địa phương hoặc đơn vị sở hữu đã chủ động đề xuất lập hồ sơ cho di sản tư liệu, cũng như lên kế hoạch khai thác và tuyên truyền về giá trị của nó.
Thực tế, với khả năng "lưu giữ thông tin" đặc thù, các di sản tư liệu luôn có những thế mạnh đặc biệt để phát huy. Đơn cử, trong 2 trường hợp vừa được vinh danh, 78 bia ma nhai tại Ngũ Hành Sơn là tập hợp đa dạng về nội dung lẫn cách thể hiện của những thể loại ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… mà nhiều vua quan triều Nguyễn và các thế hệ tao nhân mặc khách từng lưu đề lên vách đá của danh thắng này trong hơn 300 năm, từ nửa đầu thế kỷ 17.
Trong khi đó, từ vấn đề văn hóa và giáo dục của một làng quê, gần 50 văn bản Hán-Nôm các thể loại ở làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943) lại cho thấy nhiều thông tin về các mối quan hệ xã hội và lịch sử, cũng trong gần 300 năm trời.
Và cũng cần nói thêm, 2 danh hiệu này không đơn thuần chỉ là câu chuyện của danh xưng. Nó cũng đi kèm với những bài toán tiếp theo về khai thác tiềm năng của di sản tư liệu. Ở đó, tùy vào việc nhận diện các lớp giá trị đặc thù, cũng như khả năng kết nối với cuộc sống hôm nay, di sản có thể được khai thác để phục vụ du lịch, giáo dục hoặc nhiều lĩnh vực khác - miễn là có cách tiếp cận linh hoạt, mở ra những giá trị mới nhằm phục vụ cộng đồng. Có nghĩa, đó phải là câu chuyện của mỹ thuật ứng dụng, thiết kế sáng tạo, của xây dựng chiến lược truyền thông cho du lịch và nhiều vấn đề khác.
Thẳng thắn, không phải tất cả các di sản tư liệu thế giới từng được vinh danh tại Việt Nam đều đã làm tốt điều này. Và như thế, bên cạnh niềm vui từ 2 di sản mới, chúng ta cũng có thêm những bài toán mới cho câu chuyện "hậu vinh danh" trước mặt.
Tags