Có thể nói, 0h00 ngày 24/7 vừa qua là “phút giây lặng lẽ mong chờ” - một thời khắc căng thẳng, hồi hộp và cả âu lo của hơn 1 triệu sĩ tử cùng người thân trong gia đình. Bởi đó chính là thời điểm Bộ GD&ĐT công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2021-2022.
Đấy là phút giây mà các em biết được kết quả sau 12 năm đèn sách của mình như thế nào, nên chắc hẳn đã có nhiều cảm xúc trái ngược nhau. Nhưng sau giây phút mong chờ ấy, mỗi sĩ tử cũng như cả ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Ngay sau khi kết quả thi được công bố, theo đánh giá của một số nhà giáo uy tín, các chuyên gia trong ngành giáo dục, với phổ điểm như thế này thì sẽ rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học nữa vì có sự phân hóa tốt ở ngưỡng điểm tuyệt đối. Các trường đại học hoàn toàn có thể tin tưởng lấy kết quả này làm căn cứ để xét tuyển.
Xin chúc mừng những thí sinh đủ điểm xét tuyển tốt nghiệp tính theo công thức đã được Bộ GD&ĐT đưa ra, nhưng các em cũng chưa thể ăn mừng hoặc cũng không nên buông xuôi ngay trong thời điểm này, bởi vì điểm trúng tuyển vào đại học hoặc cao đẳng còn phụ thuộc vào nguyện vọng các em đăng ký, vẫn phải chờ các trường công bố điểm chuẩn chính thức.
Và như vậy, việc đăng ký nguyện vọng trong những ngày tới là cả một bài toán của xác xuất thống kê, kết hợp với mong ước, đam mê. Cũng có một chút gì đó gọi là may rủi.
Bây giờ chúng ta cùng quay lại một chủ đề năm nào cũng được nhắc đến trong giáo dục, đó là có cách nào làm giảm tải áp lực cho các em học sinh trước mỗi kỳ thi.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn 3175/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Theo nội dung của công văn này, từ năm học 2023, các trường học sẽ không sử dụng các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các đề thi, các bài kiểm tra đọc hiểu và viết trong các kỳ thi cuối học kỳ, cuối năm học.
Câu chuyện dạy và học môn Ngữ văn nhiều năm nay vẫn là chủ đề được bàn luận ở các nhà trường, đặc biệt là trong các kỳ thi. Đó là chuyện văn mẫu, học ôn theo đề tủ khiến cho tình trạng dạy và học văn nặng nề. Văn mẫu thì từ thời chúng tôi bắt đầu vào học cấp 1 (cuối những năm 1970) đã có. Tôi nhớ khi cô giáo cho học viết bài văn tả, khi giao chủ đề cho học sinh làm bài, hầu như bạn nào cũng tả gần giống nhau. Ví dụ, đề bài tả con lợn, chắc chắn là tai lá mít, đít lồng bàn... Tả về cô giáo em thì sẽ có hình ảnh mái tóc dài thướt tha. Có vẻ như đấy là những hình ảnh mặc định. Đến thời kỳ bắt đầu xuất hiện bộ đề ôn thi đại học, thì đâu đâu cũng cày theo bộ đề, rồi dự đoán các đề tủ để học thuộc lòng. Khi đi thi thì trúng tủ trở thành câu thần chú để thành công. Còn lệch tủ thì ngược lại.
Chính từ cách dạy và học Ngữ văn như vậy, cộng với việc lấy nội dung trong SGK làm ngữ liệu cho nên trong các kỳ thi vài năm trở lại đây, rộ lên hiện tượng dự đoán đề thi môn Ngữ văn.
Cũng vì vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã ra công văn nêu trên nhằm khắc phục tình trạng học gạo, học thuộc lòng văn mẫu hoặc chỉ sao chép tài liệu sẵn có.
Mong rằng trong một số môn học khác, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có những giải pháp giảm áp lực cho các em học sinh, nhưng vẫn giữ vững tinh thần “học thật, thi thật”.
Như thế, sẽ có nhiều niềm vui trong thi cử hơn là những “phút giây lặng lẽ mong chờ” trong căng thẳng, lo âu.
Quốc Thắng
Tags