Liệu có sớm không, khi mới đầu tuần chúng ta đã nhắc tới Ngày Quốc tế thiếu nhi sẽ diễn ra tận Cuối tuần?
Câu trả lời tất nhiên là không sớm. Đều đặn mỗi năm, trước cột mốc ấy khá lâu, cộng đồng và xã hội đã bắt đầu chuẩn bị đón ngày 1/6, với tâm lý chờ đợi.
Ngày 1/6 phải hướng về thiếu nhi và dành cho thiếu nhi. Không chỉ ở mỗi gia đình, mỗi trường học, mỗi tổ dân phố mà cả… mỗi cơ quan của các bậc phụ huynh cũng đều thấm nhuần tinh thần ấy, như một thông lệ.
Như những gì được ghi lại, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 đã có mặt tại Việt Nam khoảng 7 thập niên. Nó được đón nhận hồ hởi, không chỉ bởi sự nhân ái vốn có trong văn hóa Việt Nam, mà còn bởi triết lý bất biến vốn gắn với bất cứ xã hội nào: Trẻ em là nguồn lực tương lai, và cũng là một trong những nhóm đối tượng cần được ưu tiên hơn hết.
Khác với Trung Thu - một "Tết" trẻ con nữa, có ý nghĩa đoàn viên - ngày 1/6 thường gắn với biểu trưng là những món quà. Thời bao cấp, dù khó khăn, gần như mỗi cơ quan nhà nước hay tổ, xóm ở địa phương vẫn luôn có những hình thức động viên, khen thưởng cho thiếu nhi bằng những món quà nhỏ. Để rồi, khi kinh tế phát triển hơn, những món quà ấy lập tức được đa dạng hóa, với sự cung ứng của dịch vụ tiêu dùng.
Còn bây giờ, Ngày Quốc tế thiếu nhi không gắn nhiều với đồ chơi hay kẹo bánh - những thứ trẻ em không đến nỗi thiếu vắng trong điều kiện hiện tại. Thay vào đó, dịp này, chúng ta thường muốn đưa các em đi xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc mua sách - những món ăn tinh thần giàu ý nghĩa và phần nào… có chiều sâu hơn, theo cách nhìn chung.
***
Cũng từ sự phát triển của nhận thức, những năm gần đây, nhiều nhà giáo dục hay các bậc phụ huynh thường muốn "gửi gắm" nhiều điều hơn trong ngày 1/6. Chẳng hạn, việc trẻ em có quyền được vui chơi, được chăm sóc và yêu thương phải là câu chuyện thường xuyên để toàn cộng đồng hướng về, thay vì chỉ được xới lên ở mỗi dịp 1/6 này.
Có thể ước muốn ấy sẽ còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác trong xã hội. Nhưng, cũng hãy cứ tin, chúng ta có thể làm được một điều khả thi: Tạo dựng một "thực đơn" các món ăn tinh thần đủ phong phú và bền vững, để nuôi dưỡng tâm hồn các em. Nhìn vào thực tế có thể thấy, rất nhiều cá nhân, tổ chức và nhóm cộng đồng cũng đang nỗ lực vì điều này, theo cách của mình.
Đơn cử, hơn một tuần trước, lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu, một cuộc liên hoan toàn quốc của các vở diễn dành cho thiếu nhi vừa được diễn ra tại Hải Phòng. Như sự kỳ vọng của người làm nghề, cột mốc ấy được trông đợi sẽ là "cú hích" tạo sự lan tỏa trong đời sống để những chương trình biểu diễn dành riêng cho thiếu nhi được tổ chức đều đặn hơn, thay vì chủ yếu xuất hiện vào mùa hè như hiện có.
Và cũng đừng quên, giữa tuần này, ngày 29/5 sẽ là Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024. Qua 4 lần tổ chức trước đó, giải thưởng của báo Thể thao và Văn hóa đã phần nào được dư luận ghi nhận, và cũng bước đầu có những tác động tích cực để thu hút sự nhập cuộc của đội ngũ sáng tác trong nỗ lực tìm kiếm những sản phẩm văn hóa phù hợp với thế giới quan, cũng như sự tri nhận của em nhỏ, trong bối cảnh đời sống văn hóa, giải trí bây giờ.
Đi nhiều thì sẽ thành đường. Những món quà dành cho thiếu nhi trong ngày 1/6 sẽ giàu giá trị hơn, với nỗ lực từ chính chúng ta.
Tags