Tuần lễ sách kết nối - Ehon Week vừa diễn ra ở Hà Nội. Ehon là tên một dòng sách tranh truyện Nhật Bản dành cho trẻ em từ 0 đến 6 tuổi. Thể loại này với câu từ đơn giản, thường nhấn mạnh vào hình ảnh bắt mắt, sinh động, tập cho trẻ có thói quen tư duy, hình thành cảm xúc, chuẩn bị những nền tảng cần thiết cho sự phát triển của trẻ sau này.
Hiện nay, cùng với "thai giáo", giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh là phương pháp được nhiều phu huynh quan tâm. Trong các hình thức giáo dục sớm ấy, sách tranh truyện đóng một vài trò nhất định. Thể loại Ehon ra đời, đáp ứng một phần nhu cầu này.
Trẻ mới 0 tháng tuổi thì đọc sách kiểu gì? Thể loại Ehon phân chia theo từng giai đoạn. Với trẻ sơ sinh, phụ huynh có thể chủ động cho trẻ xem tranh trong sách để trẻ tập trung. Tùy thuộc vào tuổi của trẻ mà nội dung và hình thức của sách cũng thay đổi sao cho phù hợp.
Lướt qua thị trường sách Ehon hiện nay ở Việt Nam, có thể thấy sự phong phú về nội dung, từ mang tính giáo dục cụ thể, khám phá thế giới xung quanh, đến kích thích trí tưởng tượng. Bên cạnh các đầu sách đến từ Nhật Bản, cũng thấy thấp thoáng tác phẩm của tác giả Việt Nam mang tinh thần của thể loại này.
Thành công và sự phổ biến quốc tế của Ehon còn đến từ sự chuyên nghiệp trong xác định đối tượng độc giả của từng tác phẩm và sách cho trẻ nhỏ (0 đến 6 tuổi). Nếu Việt Nam muốn đi đường dài, cũng cần có tinh thần chuyên nghiệp này.
Việt Nam hiện có một cộng đồng họa sĩ minh họa đông đảo, năng động và nhiệt huyết, một điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của dòng sách tranh truyện kiểu Ehon.
Những năm gần đây, xã hội Việt Nam dành sự quan tâm nhiều hơn cho văn hóa đọc. Trong đó, hình thành văn hóa đọc ở thế hệ trẻ em, học sinh được xem trọng. Vậy tại sao chúng ta không hình thành thói quen đọc ấy ngay từ khi trẻ còn chưa… biết đọc?
Tuần lễ sách kết nối - Ehon Week tuy đã khép lại, nhưng lại mở ra cho người làm xuất bản, giáo dục và cả các bậc phụ huynh nhiều điều đáng mong đợi. Không chỉ giới thiệu, quảng bá được một thể loại sách hữu ích, mà trên tinh thần "sách kết nối" ấy, ta thấy một sự nối kết giữa Nhật Bản và Việt Nam, giữa trẻ con với thế giới. Thiết thân hơn, là sự kết nối ngay từ sớm giữa phụ huynh với con cái trong việc đọc sách.
Tags