Những hình ảnh về lễ tiễn đưa 3 chiến sĩ cứu hỏa hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy tại Hà Nội sẽ còn đọng lại lâu dài trong tâm trí của người dân Thủ đô và cả nước. Tiếc thương, biết ơn và tự hào... Dưới chân Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), những bó hoa vẫn tiếp tục được người dân mang đến...
Nhưng tôi nghĩ, trong những ngày này, không có sự tri ân nào ý nghĩa hơn là việc mỗi người chúng ta phải ý thức cao hơn nữa về công tác phòng ngừa cháy nổ trong chính gia đình, cơ quan của mình. Đấu tranh với giặc lửa không phải lúc nào cũng chỉ nụ cười của chiến thắng, mà xen lẫn còn có cả nước mắt của sự hy sinh. Vì thế, mỗi người phải làm tất cả để phòng giặc lửa từ trong trứng nước.
Ai cũng biết làm lính cứu hỏa, cứu hộ cứu nạn là một nghề nguy hiểm. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết những hiểm nguy mà các anh thường xuyên phải đối mặt. Hình ảnh thường thấy về các anh vẫn là nụ cười tươi trên những khuôn mặt lấm lem, đen sì khói bụi.
Vì thế, sự tri ân thiết thực nhất giờ đây là mỗi chúng ta hãy thực hiện nghiêm túc hơn nữa việc phòng ngừa cháy nổ; tự mình bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm… trước nguy cơ hỏa hoạn cũng chính là san sẻ với các anh một phần trọng trách mà các anh đang phải xả thân để gánh vác cho cả cộng đồng.
Những tiêu chuẩn, những kỹ năng phòng cháy chữa cháy thì cụ thể lắm, sát sườn lắm. Hầu như ai cũng đã từng được nghe nói, được nhắc nhở, thậm chí được tập huấn về điều đó, nhưng đã nghiêm túc thực hiện hay chưa? Chẳng hạn, các hộ gia đình ở nhà ống, nhất là khi có kết hợp kinh doanh, cần hết sức lưu ý việc phải có tối thiểu 2 lối thoát nạn. Một lối thoát nạn ra mặt trước ngôi nhà (cửa chính). Còn lối thoát nạn thứ hai có thể là qua ban công, qua nhà hàng xóm, lên sân thượng, qua mái, công trình lân cận… Trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh hàng ngày, ta cũng phải sắp xếp hàng hóa đồ đạc trong nhà gọn gàng, bảo đảm không cản trở cầu thang, lối thoát nạn ra cửa đề phòng khi xảy ra hỏa hoạn. Có công cụ phá cửa, phá tường, có thang dây và bình chữa cháy phù hợp….
Thực tế thời gian vừa qua, những đám cháy đa phần xuất phát từ việc sửa chữa, cải tạo các cơ sở kinh doanh, trong đó có nguyên nhân là hàn xì. Vì vậy, phải xem xét lại tận gốc các quy trình thi công có liên quan hàn xì, thậm chí phải xem xét cả khâu đào tạo nghề thợ hàn.
Bên cạnh đó là việc học tập những kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn như là cách dùng áo, khăn trải bàn, chăn… bằng chất liệu cotton nhúng ướt trùm lên đầu, lên người khi vượt qua đám cháy. Cách sử dụng khăn ướt bịt mũi, miệng để hạn chế hít phải khói, khí độc. Biết dùng vải, giẻ ướt nhét vào những khe cửa hoặc dùng băng keo dán chặt những nơi khói có thể len vào... Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.
Các phương án thoát hiểm khi ở trong nhà cần phải được phổ biến cho mỗi thành viên mỗi gia đình, phải tiến hành “diễn tập” thường xuyên để trẻ nhỏ ghi nhớ, coi như một kỹ năng sinh tồn của chúng.
- Tiễn biệt ba chiến sỹ Công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ
- Công nhận liệt sỹ đối với 3 chiến sỹ công an hy sinh khi chữa cháy
Rõ ràng, nếu như ai cũng ý thức được những việc làm này và thực hành tốt những kỹ năng thoát hiểm kể trên thì cho dù không may có xảy ra cháy nổ thì thiệt hại cũng sẽ giảm thiểu. Những người lính cứu hỏa sẽ không còn phải thường xuyên đánh đổi sinh mạng mình bằng việc xông vào đám cháy nữa.
Những ngày Hè nóng nực năm nay vẫn còn chưa chấm dứt. “Bà hỏa” vẫn còn đe doạ các cửa hàng kinh doanh, các gia đình tại những khu dân cư do hở gas, do chập điện, do muôn vàn những sơ sẩy khác... Sự hy sinh của 3 chiến sĩ cứu hỏa là lời cảnh báo đầy xót xa về sự nguy hiểm của “bà hỏa”, nhắc nhở mỗi người chúng ta phải làm tất cả những gì tốt nhất cho công tác phòng ngừa cháy nổ tại nơi mình sinh sống và làm việc.
Làm được như thế thì sự hy sinh của những chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn không trở nên vô ích.
Quốc Khánh
Tags